Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh có yêu cầu phải có giấy tờ pháp lý của các thành viên trong hộ gia đình đăng ký kinh doanh hay không?
- Theo quy định pháp luật hộ kinh doanh là gì?
- Quyền thành lập hộ kinh doanh được pháp luật quy định như thế nào?
- Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh có yêu cầu phải có giấy tờ pháp pháp lý của các thành viên trong hộ gia đình đăng ký kinh doanh hay không?
- Trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định mới nhất hiện nay?
Theo quy định pháp luật hộ kinh doanh là gì?
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về hộ kinh doanh, theo đó hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh
Quyền thành lập hộ kinh doanh được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh cụ thể như sau:
(1) Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này, trừ các trường hợp sau đây:
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
(2) Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
(3) Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh có yêu cầu phải có giấy tờ pháp pháp lý của các thành viên trong hộ gia đình đăng ký kinh doanh hay không?
Theo khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về việc đăng ký hộ kinh doanh, theo đó hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Như vậy, đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình của bạn muốn đăng ký hộ kinh doanh thì hồ sơ phải bao gồm giấy tờ pháp lý của các thành viên trong hộ gia đình chứ không phải chỉ có giấy tờ pháp lý của người đại diện đăng ký hộ kinh doanh.
Trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định mới nhất hiện nay?
Theo Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về việc đăng ký hộ kinh doanh, theo đó trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện như sau:
Bước 01: Nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Bước 02: Tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
- Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
- Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Bước 03: Gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký cho cơ quan nhà nước
Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.
Tải về mẫu Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh mới nhất năm 2023: Tại Đây
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đăng ký hộ kinh doanh có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sau khi nộp tiền thuế, người nộp thuế có được nhận chứng từ thu tiền thuế? Trách nhiệm nộp tiền thuế của người nộp thuế?
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?