Hồ sơ hưởng lại chế độ ưu đãi người có công với cách mạng khi đã bị tạm đình chỉ hoặc chấm dứt gồm những gì?
Trường hợp bị tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Những trường hợp bị tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được quy định chi tiết tại Điều 54; khoản 1, khoản 2 Điều 55 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 như sau:
(1) Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi thì bị tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định sau đây:
- Người phạm tội không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia và bị phạt tù có thời hạn thì trong thời gian chấp hành hình phạt tù bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi;
- Người xuất cảnh trái phép, mất tích thì bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi trong thời gian xuất cảnh, mất tích;
- Người có công với cách mạng mà tham gia các hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước; đào ngũ, phản bội, chiêu hồi thì bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi;
- Người phạm tội thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị phạt tù chung thân, tử hình thì bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 bị khai trừ ra khỏi Đảng thì bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày bị khai trừ;
- Người có công với cách mạng bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này vi phạm tội do lỗi cố ý thì thân nhân của họ cũng bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi.
Người có công với cách mạng bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này thì thân nhân của họ cũng bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi.
- Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết đình công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận.
- Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.
Thời điểm tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng nhưng bị phạt tù
Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 118 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, thời điểm tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi đối với người bị phạt tù được quy định như sau:
"1. Đối với những trường hợp quy định tại Điều 54 Pháp lệnh, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được bản án hoặc kết quả xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi có trách nhiệm ban hành quyết định tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo Mẫu số 72 Phụ lục I Nghị định này và thời điểm tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi như sau:
a) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 54 Pháp lệnh, thời điểm tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
...
4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này đối với trường hợp hồ sơ người có công do quân đội, công an xác lập và quản lý."
Như vậy, người phạm tội không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia và bị phạt tù có thời hạn thì trong thời gian chấp hành hình phạt tù bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Hồ sơ hưởng lại chế độ ưu đãi người có công với cách mạng gồm những thành phần nào?
Hồ sơ hưởng lại chế độ ưu đãi người có công với cách mạng gồm những thành phần nào?
Hồ sơ, thủ tục hưởng lại chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được quy định cụ thể tại Điều 119 Nghị định 131/2021/NĐ-CP như sau:
(1) Đối với những trường hợp quy định tại Điều 54 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020, người có công hoặc thân nhân làm đơn đề nghị hưởng lại chế độ theo Mẫu số 24 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP gửi cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi kèm theo các giấy tờ quy định. Cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ có trách nhiệm kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi theo Mẫu số 73 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP:
a) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 54 Pháp lệnh phải kèm theo các giấy tờ chứng minh đã chấp hành xong hình phạt tù, thời điểm hưởng lại chế độ ưu đãi kể từ tháng liền kề sau tháng chấp hành xong hình phạt tù.
b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 Pháp lệnh, thời điểm hưởng lại chế độ ưu đãi kể từ tháng liền kề sau tháng nhận được đơn:
Trường hợp người có công hoặc thân nhân xuất cảnh trái phép nay trở về nước thường trú thì phải có giấy tờ nhập cảnh. Nếu trong thời gian 01 tháng sau khi nhập cảnh không có đơn đề nghị hưởng lại chế độ thì phải kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định tại Luật Lý lịch tư pháp.
Trường hợp người có công hoặc thân nhân mất tích nay trở về thì phải kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định tại Luật Lý lịch tư pháp.
c) Đối với trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 54 Pháp lệnh thời điểm hưởng lại chế độ ưu đãi của thân nhân người có công thực hiện theo quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi đối với người có công.
(2) Đối với những trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 55 Pháp lệnh này:
a) Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 55 Pháp lệnh sau khi xác minh kết luận không giả mạo giấy tờ thì cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi theo Mẫu số 73 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP kể từ tháng bị tạm đình chỉ.
b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 Pháp lệnh, cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi căn cứ kết quả xác minh, kết luận để ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi theo quy định tại Mẫu số 73 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP đúng quy định kể từ tháng bị tạm đình chỉ và thu hồi chế độ ưu đãi hưởng thêm do khai báo gian dối.
(3) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình hưởng lại chế độ ưu đãi quy định tại các khoản 1, 2 Điều này đối với trường hợp hồ sơ người có công do quân đội, công an quản lý.
(4) Đối với trường hợp thương binh hiện chưa được hưởng chế độ ưu đãi do gửi sổ đi B thì thực hiện việc cấp lại hồ sơ và giải quyết truy lĩnh trợ cấp thương tật, cụ thể như sau:
a) Cá nhân có đơn đề nghị hưởng lại chế độ theo Mẫu số 24 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP gửi Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh kèm các giấy tờ sau:
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định tại Luật Lý lịch tư pháp.
Bản sao được chứng thực từ một trong các quyết định: phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, hưu trí; trường hợp không còn một trong các quyết định trên thì phải có giấy xác nhận của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về thời gian công tác trong quân đội.
Một trong các giấy tờ sau: Sổ trợ cấp thương tật quy định tại Điều lệ ưu đãi quân nhân ban hành theo Nghị định số 161/CP ngày 30 tháng 10 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ; sổ thương binh ban hành theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 254/TT-LB ngày 10 tháng 11 năm 1967 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bản trích lục hồ sơ thương binh (theo sổ hoặc danh sách hiện đang quản lý) của cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị.
Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận ghi nhận thời gian đi B. Trường hợp giấy tờ chỉ thể hiện phiên hiệu, ký hiệu đơn vị thì kèm theo giấy xác nhận thông tin giải mã phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động của đơn vị theo Mẫu số 37 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
Trường hợp có tên trong danh sách, sổ quản lý quân nhân, sổ chi trả trợ cấp quân nhân đi B đang lưu tại cơ quan chức năng của địa phương thì Bộ chỉ huy quân sự tỉnh căn cứ danh sách, sổ quản lý quân nhân, sổ chi trả trợ cấp quân nhân đi B đang lưu tại cơ quan chức năng của địa phương và đã được chốt số lượng (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 Nghị định 131/2021/NĐ-CP) để cấp giấy xác nhận.
b) Cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi theo Mẫu số 73 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP kể từ tháng liền kề, sau tháng gửi Sổ để đi B, thực hiện truy trả trợ cấp và di chuyển hồ sơ thương binh đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thương binh thường trú.
c) Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn quy trình hưởng lại chế độ đối với trường hợp quy định tại khoản này. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
Như vậy, trường hợp người phạm tội không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia và bị phạt tù có thời hạn thì trong thời gian chấp hành hình phạt tù bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Để hưởng lại chế độ ưu đãi, người đó cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện theo thủ tục nêu trên.
Trần Hồng Oanh
- điểm c khoản 1 Điều 53 Nghị định 131/2021/NĐ-CP
- Mẫu số 37 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP
- Mẫu số 73 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP
- Mẫu số 24 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP
- Điều 119 Nghị định 131/2021/NĐ-CP
- khoản 4 Điều 118 Nghị định 131/2021/NĐ-CP
- khoản 2 Điều 55 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Người có công với cách mạng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?