Hồ sơ, trình tự chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư 400 tỷ đồng?
- Chứng khoán có phải ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện?
- Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư ra nước ngoài 400 tỷ đồng thì do ai chấp thuận chủ trương đầu tư?
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư ra nước ngoài 400 tỷ đồng thế nào?
Chứng khoán có phải ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện?
Chứng khoán là một trong những ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện theo điểm c khoản 1 Điều 54 Luật Đầu tư 2020.
Điều kiện đầu tư ra nước ngoài trong ngành, nghề chứng khoán được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 72 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định điều kiện đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện như sau:
- Đối với các ngành, nghề chứng khoán, nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán theo Luật Chứng khoán 2019 và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
Chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư 400 tỷ đồng (Hình từ Internet)
Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư ra nước ngoài 400 tỷ đồng thì do ai chấp thuận chủ trương đầu tư?
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài được quy định tại Điều 56 Luật Đầu tư 2020.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên, trừ các dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Như vậy, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư ra nước ngoài 400 tỷ đồng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư ra nước ngoài 400 tỷ đồng thế nào?
Hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư ra nước ngoài 400 tỷ đồng theo khoản 1 Điều 58 Luật Đầu tư 2020 gồm:
- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Hình thức, mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư;
+ Xác định sơ bộ vốn đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn;
+ Tiến độ thực hiện dự án, các giai đoạn đầu tư (nếu có);
+ Phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư của dự án.
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:
+ Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;
+ Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;
+ Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính;
+ Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;
+ Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép;
- Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 59 của Luật này hoặc quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này;
- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc lĩnh vực chứng khoán, nhà đầu tư nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).
Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chứng khoán có vốn đầu tư ra nước ngoài 400 tỷ đồng theo khoản 1 Điều 58 Luật Đầu tư 2020 như sau:
- Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư được hướng dẫn trên cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định bằng văn bản về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Đầu tư 2020, cụ thể:
+ Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 60 Luật Đầu tư 2020;
+ Tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
+ Sự cần thiết thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài;
+ Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
+ Hình thức, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án đầu tư, vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn;
+ Đánh giá mức độ rủi ro tại nước tiếp nhận đầu tư.
- Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo nội dung quy định tại khoản 8 Điều 57 Luật Đầu tư 2020, cụ thể:
+ Nhà đầu tư thực hiện dự án;
+ Mục tiêu, địa điểm đầu tư;
+ Vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài;
+ Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).
Mai Hoàng Trúc Linh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đầu tư ra nước ngoài có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi)
- Sẽ sáp nhập các bộ ngành nào? Sáp nhập các bộ ngành trung ương trong nhiệm kỳ tới theo Nghị quyết 18 như thế nào?
- Không có người nhận hàng thì việc cất giữ hàng hóa tàu bay sẽ xử lý như thế nào? Người gửi hàng tàu bay có quyền định đoạt hàng hóa ra sao?
- Có được gia hạn thời gian nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế gặp tai nạn bất ngờ không?
- Đáp án Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về cải cách hành chính và chuyển đổi số thành phố Thuận An Tuần 2 Đề 2?