Hội Luật gia Việt Nam có được xem là hội có tính chất đặc thù hay không? Việc hỗ trợ kinh phí trường hợp này được quy định như thế nào?
- Hội Luật gia Việt Nam có được xem là hội có tính chất đặc thù hay không?
- Cơ sở để xác định một tổ chức có phải là hội có tính chất đặc thù không là gì?
- Quy trình bảo đảm kinh phí, hỗ trợ kinh phí đối với các hội có tính chất đặc thù cụ thể gồm những gì?
- Đối với các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương, cơ quan nào sẽ quyết định việc hỗ trợ kinh phí?
Hội Luật gia Việt Nam có được xem là hội có tính chất đặc thù hay không?
Hội Luật gia Việt Nam
Điều 2 Quyết định 68/2010/QĐ-TTg quy định các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước như sau:
"Điều 2. Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước
Căn cứ quy định tại Điều 1 của Quyết định này, hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước được xác định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này."
Tương ứng theo quy định trên, Mục 7 Phụ lục Danh sách hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước (Ban hành kèm theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg) có đề cập đến Hội Luật gia Việt Nam.
Như vậy, Hội Luật gia Việt Nam được xem là hội có tính chất đặc thù theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cơ sở để xác định một tổ chức có phải là hội có tính chất đặc thù không là gì?
Cơ sở để xác định hội có tính chất đặc thù được quy định tại Điều 1 Quyết định 68/2010/QĐ-TTg như sau:
"Điều 1. Cơ sở xác định hội có tính chất đặc thù
1. Đối với hội là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp:
a) Được cơ quan có thẩm quyền của Đảng công nhận là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp;
b) Đã được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có hiệu lực.
2. Đối với hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế:
a) Có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
b) Có khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động của hội;
c) Đã được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có hiệu lực.
3. Đối với hội là tổ chức xã hội:
a) Hoạt động vì mục tiêu xã hội, nhân đạo;
b) Là hội của những đối tượng chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi cần được xã hội, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện hoạt động;
c) Đã được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có hiệu lực."
Theo đó, các cơ quan, tổ chức nếu đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng thuộc từng nhóm nêu trên thì sẽ được xem là hội có tính chất đặc thù.
Quy trình bảo đảm kinh phí, hỗ trợ kinh phí đối với các hội có tính chất đặc thù cụ thể gồm những gì?
Điều 3 Quyết định 71/2011/QĐ-TTg nêu rõ quy trình bảo đảm kinh phí, hỗ trợ kinh phí đối với các hội có tính chất đặc thù, cụ thể như sau:
(1) Hàng năm, vào thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các hội có tính chất đặc thù căn cứ vào chỉ tiêu biên chế, nhiệm vụ được giao, các đề xuất hoạt động và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành lập dự toán kinh phí được ngân sách nhà nước bảo đảm và kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ gửi các cơ quan liên quan; cụ thể:
- Đối với kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên; kinh phí bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ được nhà nước giao cho hội chủ trì: quy trình lập dự toán được thực hiện theo quy định hiện hành như đối với cơ quan quản lý nhà nước, gửi về Bộ Tài chính.
- Đối với kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ do cơ quan nhà nước yêu cầu, trên cơ sở xác định nhiệm vụ phù hợp với khả năng thực hiện, Hội đề xuất việc tham gia hệ thống các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ công … dưới hình thức đề án (hoặc kế hoạch triển khai), gửi về Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để được thẩm định về mặt nội dung, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt. Sau khi có ý kiến thẩm định về nội dung thực hiện của các cơ quan quản lý chuyên ngành, các hội hoàn chỉnh nội dung đề án, xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện gửi về Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp giao nhiệm vụ để được xem xét hỗ trợ kinh phí.
- Đối với kinh phí thực hiện các đề tài, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia gửi về cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia; đối với kinh phí thực hiện các chương trình, đề tài, dự án khác gửi về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để các cơ quan này phê duyệt theo thẩm quyền, tổng hợp chung gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Cơ quan tài chính, cơ quan đầu tư căn cứ nhu cầu bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, nhu cầu được hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động của các hội và khả năng ngân sách nhà nước, tổng hợp kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm, hoặc hỗ trợ trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương, cơ quan nào sẽ quyết định việc hỗ trợ kinh phí?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định 71/2011/QĐ-TTg:
"2. Đối với các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương, căn cứ quy định về cơ sở xác định hội có tính chất đặc thù tại Điều 1 Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 nêu trên của Thủ tướng Chính phủ; căn cứ nội dung và quy trình bảo đảm, hỗ trợ kinh phí đối với hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước quy định tại Quyết định này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc phân cấp bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương đối với các hội có tính chất đặc thù thuộc phạm vi quản lý."
Theo quy định này, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương sẽ ra quyết định cụ thể thể về việc hỗ trợ kinh phí cho hội có tính chất đặc thù thuộc phạm vi quản lý của mình.
Như vậy, Hội Luật gia Việt Nam là hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước, được bảo đảm kinh phí, hỗ trợ kinh phí theo quy trình được quy định tại pháp luật hiện hành. Ngoài ra, các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương sẽ do UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương quyết định cụ thể việc phân cấp bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương đối với các hội thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hội Luật gia có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lợi dụng hoạt động phòng chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
- Cách tính tuổi đảng viên khi không còn giữ quyết định kết nạp Đảng? Bao nhiêu tuổi đảng thì được xét tặng Huy hiệu Đảng?
- Mẫu hợp đồng thỏa thuận cung cấp dịch vụ công tác xã hội mới nhất là mẫu nào? Quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội?
- Hướng dẫn 4705 về việc tuyển dụng và gọi công dân nhập ngũ năm 2025 thế nào? Hướng dẫn tuyển chọn và gọi công dân nữ nhập ngũ năm 2025?
- Mẫu Biên bản làm việc với Đảng viên xin ra khỏi Đảng? Đảng viên xin ra khỏi Đảng có được kết nạp lại?