Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức gì? Hội Luật gia Việt Nam có phải là tổ chức hoạt động vì lợi nhuận không?
Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức gì?
Hội Luật gia Việt Nam (Tên tiếng Anh là Viet Nam Lawyers’ Association, tên viết tắt bằng Tiếng Anh là VLA) là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam được thành lập ngày 04 tháng 4 năm 1955.
(Căn cứ vào Chương I Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 770/QĐ-TTg năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành)
Tôn chỉ, mục đích của Hội Luật gia Việt Nam:
Hội Luật gia Việt Nam tập hợp, đoàn kết các luật gia đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tự nguyện hoạt động nhằm góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, xây dựng nền khoa học, pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; tham gia và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức luật gia trên thế giới và các tổ chức khác theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước vì mục đích chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
- Biểu tượng, ngày truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam:
+ Biểu tượng Hội Luật gia Việt Nam hình tròn có hai đường viền màu xanh đậm, phía trên là hình tượng cờ đỏ sao vàng năm cánh, dưới có dòng chữ “Hội Luật gia Việt Nam”; ở giữa có hình tượng cán cân công lý đặt trên quyển sách mở có hàng số “1955” (năm thành lập Hội Luật gia Việt Nam); ở đường vòng cung có hình tượng hai bông lúa vàng.
+ Ngày 04 tháng 4 hàng năm là ngày truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam (Hình từ Internet)
Hội Luật gia Việt Nam có phải là tổ chức hoạt động vì lợi nhuận không?
Căn cứ vào Điều 3 Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 770/QĐ-TTg năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành như sau:
Phạm vi, lĩnh vực hoạt động, tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu
1. Hội Luật gia Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực pháp luật trên phạm vi cả nước.
2. Hội Luật gia Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Hội Luật gia có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản riêng.
4. Trụ sở của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đặt tại Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, Điều 4 cũng quy định như sau:
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam
1. Tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.
2. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
3. Không vì mục đích lợi nhuận.
Như vậy, Hội Luật gia Việt Nam có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản riêng, hoạt động theo các nguyên tắc sau:
- Tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
- Không vì mục đích lợi nhuận.
Nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam là gì?
Căn cứ vào Điều 5 Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 770/QĐ-TTg năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành như sau:
Nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam:
(1) Chấp hành quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội.
(2) Tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên theo đúng tôn chỉ, mục đích của Hội, xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghề nghiệp.
(3) Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia phản biện và giám sát xã hội; tham gia giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước.
(4) Tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
(5) Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, tư vấn giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước theo quy định của pháp luật.
(6) Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án khác theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước.
(7) Tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng; tuyển chọn một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân; tham gia các hoạt động cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tội phạm và các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
(8) Phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội và thực hiện nghĩa vụ thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(9) Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với các tổ chức và luật gia tiến bộ của các nước trong khu vực và trên thế giới theo quy định của pháp luật; vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết, góp phần xây dựng đất nước.
Tham gia công tác đối ngoại nhân dân theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
(10) Xuất bản và phát hành sách, tạp chí và các ấn phẩm pháp luật khác đáp ứng yêu cầu hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
(11) Xây dựng và thực hiện quy tắc đạo đức hội viên Hội Luật gia Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
(12) Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
(13) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Hội Luật gia Việt Nam có được gây quỹ và nhận các nguồn tài trợ không?
Căn cứ vào Điều 6 Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 770/QĐ-TTg năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành như sau:
Quyền hạn
1. Tuyên truyền rộng rãi tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của Hội.
2. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hội và lĩnh vực hoạt động của Hội; về xây dựng và thi hành pháp luật và những vấn đề khác có liên quan.
3. Phản ánh tâm tư nguyện vọng của giới luật gia Việt Nam với Đảng, Nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; động viên tinh thần và quan tâm đến lợi ích của hội viên; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
4. Cung cấp dịch vụ về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
5. Thành lập tổ chức, đơn vị thuộc Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
6. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
7. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
8. Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Hội Luật gia Việt Nam có quyền:
- Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hội Luật gia Việt Nam có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sau khi nộp tiền thuế, người nộp thuế có được nhận chứng từ thu tiền thuế? Trách nhiệm nộp tiền thuế của người nộp thuế?
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?