Hợp đồng mua bán hàng hóa mà không có thoả thuận về giá thì giá hàng hóa được xác định bằng cách nào?
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa được pháp luật quy định thế nào?
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định tại Điều 24 Luật Thương mại 2005 như sau:
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá
1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Theo quy định trên thì hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện dưới những hình thức sau:
- Thể hiện bằng lời nói,
- Thể hiện bằng văn bản,
- Bằng hành vi cụ thể.
Lưu ý: Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Mặc dù Luật Thương mại 2005 không có quy định cụ thể về những nội dung chủ yếu trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, theo Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015 thì một hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
(1) Đối tượng của hợp đồng;
(2) Số lượng, chất lượng;
(3) Giá, phương thức thanh toán;
(4) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
(5) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
(6) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
(7) Phương thức giải quyết tranh chấp.
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá được pháp luật quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Hợp đồng mua bán hàng hóa mà không có thoả thuận về giá thì giá hàng hóa được xác định bằng cách nào?
Căn cứ Điều 52 Luật Thương mại 2005 quy định việc xác định giá trong hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:
Xác định giá
Trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá.
Đồng thời, căn cứ Điều 53 Luật Thương mại 2005 quy định về xác định giá theo trọng lượng:
Xác định giá theo trọng lượng
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu giá được xác định theo trọng lượng của hàng hoá thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh.
Như vậy, theo quy định, trường hợp trong hợp đồng mua bán hàng hóa mà các bên không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá.
Ngoài ra, cần lưu ý thêm là nếu giá hàng hóa được xác định theo trọng lượng của hàng hoá thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa được ngừng thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 50 Luật Thương mại 2005 quy định vê thanh toán như sau:
Thanh toán
1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.
2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
3. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.
Đồng thời, căn cứ Điều 51 Luật Thương mại 2005 quy định về việc ngừng thanh toán tiền mua hàng:
Việc ngừng thanh toán tiền mua hàng
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc ngừng thanh toán tiền mua hàng được quy định như sau:
1. Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán;
2. Bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết;
3. Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó;
4. Trường hợp tạm ngừng thanh toán theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định của Luật này.
Như vậy, trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa được ngừng thanh toán tiền mua hàng nếu:
(1) Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán;
(2) Bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết;
(3) Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó;
Lưu ý:
- Trường hợp tạm ngừng thanh toán theo quy định tại khoản (2), (3) mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định.
- Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp đồng mua bán hàng hóa có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiến hành xác định diện tích đất nào trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện theo Luật Đất đai mới?
- Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân khi ủy quyền cho công ty quyết toán thuế TNCN là hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước đúng không?
- Quyết định trưng dụng đất có được ủy quyền không? Cơ quan nào sẽ quyết định bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra?
- Thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chậm nhất là bao nhiêu ngày theo quy định pháp luật?
- Hướng dẫn thủ tục đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam mới nhất? Điều kiện để người nước ngoài được đổi sang bằng lái xe Việt Nam là gì?