Hợp tác xã 01 năm không hoạt động thì có bắt buộc phải giải thể không? Nếu có thì thủ tục thực hiện giải thể hợp tác xã được thực hiện như thế nào?
Hợp tác xã 01 năm không hoạt động thì có bắt buộc phải giải thể không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 54 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về việc giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
"2. Giải thể bắt buộc:
Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục;
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không bảo đảm đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong 12 tháng liên tục;
c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không tổ chức được đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do;
b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký;
đ) Theo quyết định của Tòa án."
Như vậy, theo quy định trên đây, nếu hợp tác xã của bạn không hoạt động trong 12 tháng liên tục thì mới phải bắt buộc giải thể. Trường hợp hợp tác xã của bạn một năm không hoạt động nhưng 12 tháng không hoạt động đó không liên tục mà chỉ là tổng thời gian không hoạt động thì không thuộc trường hợp bắt buộc giải thể.
Giải thể hợp tác xã
Thủ tục thực hiện giải thể hợp tác xã được thực hiện như thế nào?
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 19 Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định về việc giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể bắt buộc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Hợp tác xã 2012 thủ tục giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tiến hành như sau:
(1) Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lập và trình hồ sơ giải thể bắt buộc tới Ủy ban nhân dân cùng cấp;
(2) Ủy ban nhân dân ra quyết định giải thể và thành lập hội đồng giải thể. Chủ tịch hội đồng giải thể là đại diện của Ủy ban nhân dân; ủy viên thường trực là đại diện của cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký; ủy viên khác là đại diện của cơ quan nhà nước chuyên ngành cùng cấp, tổ chức đại diện, liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là thành viên của tổ chức đại diện, liên minh), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng trụ sở, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hoặc kiểm soát viên, thành viên, hợp tác xã thành viên;
(3) Hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các công việc được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 54 Luật Hợp tác xã 2012 trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định giải thể bắt buộc và lập biên bản hoàn thành việc giải thể;
- Kinh phí giải thể được lấy từ các nguồn tài chính còn lại của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trường hợp không đủ thì sử dụng nguồn tài chính từ ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký hợp tác xã;
(4) Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, hội đồng giải thể phải gửi một bộ hồ sơ về việc giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kèm theo biên bản hoàn thành việc giải thể tới cơ quan đăng ký hợp tác xã.
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký hợp tác xã tiến hành xem xét hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện thì xóa tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong sổ đăng ký, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, ra thông báo về việc giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Như vậy, nếu hợp tác xã của bạn thuộc trường hợp giải thể bắt buộc thì thủ tục giải thể sẽ được thực hiện theo quy định nêu trên.
Tài sản của hợp tác xã khi giải thể được xử lý theo quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 49 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về việc xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể như sau:
(1) Trình tự xử lý vốn, tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
- Thu hồi các tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Thanh lý tài sản, trừ phần tài sản không chia;
- Thanh toán các khoản nợ phải trả và thực hiện nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
(2) Xử lý tài sản còn lại, trừ tài sản không chia được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- Thanh toán chi phí giải thể, bao gồm cả khoản chi cho việc thu hồi và thanh lý tài sản;
- Thanh toán nợ lương, trợ cấp và bảo hiểm xã hội của người lao động;
- Thanh toán các khoản nợ có bảo đảm theo quy định của pháp luật;
- Thanh toán các khoản nợ không bảo đảm;
- Giá trị tài sản còn lại được hoàn trả cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ.
(3) Việc xử lý tài sản thực hiện theo thứ tự ưu tiên được quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp giá trị tài sản còn lại không đủ để thanh toán các khoản nợ thuộc cùng một hàng ưu tiên thanh toán thì thực hiện thanh toán một phần theo tỷ lệ tương ứng với các khoản nợ phải chi trả trong hàng ưu tiên đó.
(4) Chính phủ quy định việc xử lý tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể, phá sản.
Đồng thời, tại Điều 21 Nghị định 193/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 107/2017/NĐ-CP) quy định cụ thể về việc xử lý tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể, phá sản như sau:
(1) Tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Hợp tác xã 2012 khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản được xử lý như sau:
- Phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước thì chuyển vào ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách hợp tác xã thành viên; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được Điều lệ quy định là tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách hợp tác xã thành viên thì đại hội thành viên quyết định phương án xử lý thích hợp;
- Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chấm dứt hoạt động; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chấm dứt hoạt động thì đại hội thành viên quyết định chuyển giao cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức khác (ưu tiên bàn giao lại cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác) nằm trên địa bàn nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn.
- Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.
(2) Trường hợp giải thể, phá sản mà vốn, tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không đủ để thanh toán các khoản nợ thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được sử dụng tài sản không chia theo thứ tự sau đây để thanh toán các khoản nợ:
- Khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia;
- Phần trích từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia;
- Vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.
(3) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn xử lý tài sản (bao gồm cả thanh lý tài sản) hình thành từ nhiều nguồn vốn (vốn hỗ trợ, trợ cấp của nhà nước, từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm, vốn góp của các thành viên hợp tác xã...) khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản.
Như vậy, việc xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã khi giải thể sẽ được thực hiện theo như quy định trên đây.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp tác xã có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sau khi nộp tiền thuế, người nộp thuế có được nhận chứng từ thu tiền thuế? Trách nhiệm nộp tiền thuế của người nộp thuế?
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?