Hợp tác xã có được quyền trả lại vốn góp cho thành viên khi chưa thực hiện quyết toán thuế của năm tài chính hay không?
Thành viên hợp tác xã thực hiện góp vốn như thế nào?
Việc góp vốn điều lệ đối với thành viên hợp tác xã được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Luật Hợp tác xã 2012 như sau:
- Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.
- Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.
- Khi góp đủ vốn, thành viên hợp tác xã được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã;
+ Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;
+ Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình.
Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
+ Tổng số vốn góp; thời điểm góp vốn;
+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.
- Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận vốn góp do điều lệ quy định.
Hợp tác xã xác định giá trị vốn góp của thành viên ra sao?
Căn cứ Điều 42 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về việc xác định giá trị phần vốn góp của hợp tác xã như sau:
- Vốn góp là tiền đồng Việt Nam, các loại tài sản khác được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam bao gồm ngoại tệ, hiện vật, giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và các loại giấy tờ có giá tại thời điểm góp vốn.
- Giá trị vốn góp bằng các loại tài sản khác được xác định theo nguyên tắc thỏa thuận giữa hợp tác xã với thành viên hợp tác xã hoặc thông qua tổ chức thẩm định.
Hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên khi chưa thực hiện quyết toán thuế của năm tài chính được không?
Hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên khi chưa thực hiện quyết toán thuế của năm tài chính được không?
Theo khoản 10 Điều 14 Luật Hợp tác xã 2012 quy định thành viên hợp tác xã có quyền được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật này và điều lệ.
Và tại Điều 18 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về việc trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã như sau:
- Hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 Luật này.
- Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật này và điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ.
- Trường hợp thành viên là pháp nhân bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã.
Theo đó, trình tự trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Hợp tác xã 2012 như sau:
- Việc trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã chỉ được thực hiện sau khi hợp tác xã đã quyết toán thuế của năm tài chính và bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã.
Thành viên chỉ được trả lại vốn góp sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình đối với hợp tác xã.
Cá nhân hoặc tập thể quyết định việc trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã không đúng quy định tại khoản này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hợp tác xã.
- Việc trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã do điều lệ quy định, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, thành viên hợp tác xã có quyền được trả lại vốn góp theo quy định. Hợp tác xã thực hiện việc trả lại vốn góp cho thành viên theo Điều 18 và phải đảm bảo trình tự được quy định tại Điều 51 Luật Hợp tác xã 2012, trong đó phải đảm bảo quy định về việc đã thực hiện quyết toán thuế của năm tài chính và bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trước khi trả lại vốn góp cho thành viên.
Trần Thị Huyền Trân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp tác xã có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?
- Trình độ chuẩn với giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trường đại học? Chế độ bồi dưỡng giờ giảng đối với giảng viên?
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?