Hướng dẫn khai lý lịch người xin vào Đảng mới nhất 2024? Điều kiện để được kết nạp Đảng hiện nay là gì?
Hướng dẫn khai lý lịch người xin vào Đảng mới nhất 2024?
Mẫu Lý lịch của người xin vào Đảng (Mẫu 2-KNĐ) được ban hành kèm theo Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2022.
>> Tải về mẫu Lý lịch người xin vào Đảng tại đây
Nội dung Mẫu Lý lịch của người xin vào Đảng gồm 32 trang, cụ thể như sau:
- Trang 1: Sơ lược lý lịch;
- Trang 2-8: Lịch sử bản thân và những công việc, chức vụ đã qua;
- Trang 9: Đặc điểm lịch sử;
- Trang 10: Những lớp đào tạo, bồi dưỡng đã qua và đi nước ngoài;
- Trang 11: Khen thưởng và kỷ luật;
- Trang 12-24: Hoàn cảnh gia đình;
- Trang 25: Tự nhận xét; cam đoan và ký tên;
- Trang 26-31: Nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng nơi đến thẩm tra lý lịch của người vào Đảng.
- Trang 32: Nhận xét của chi ủy hoặc của chi bộ và chứng nhận của cấp ủy cơ sở.
Dưới đây là hướng dẫn khai lý lịch người xin vào Đảng mới nhất 2024:
Người vào Đảng phải tự khai lý lịch trung thực, đầy đủ, rõ ràng, không tẩy xóa, sửa chữa...
(01) Họ và tên đang dùng: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, bằng chữ in hoa, ví dụ: NGUYỄN VĂN HÙNG.
(02) Nam, nữ: Là nam thì gạch chữ "nữ", là nữ thì gạch chữ "nam".
(03) Họ và tên khai sinh: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh.
(04) Các bí danh: Ghi các bí danh đã dùng (nếu có).
(05) Sinh ngày ... tháng ... năm ...: Ghi đúng ngày, tháng, năm sinh ghi trong giấy khai sinh.
(06) Nơi sinh: Ghi rõ xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc thành phố, thành phố trực thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) nơi cấp giấy khai sinh theo tên hiện dùng của hệ thống hành chính Nhà nước.
(07) Quê quán: Ghi theo quê quán trong giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có thay đổi địa danh hành chính thì ghi cả nơi cũ và hiện nay); trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ). Ghi địa chỉ như cách ghi ở mục 06.
(08) Nơi cư trú:
- Nơi thường trú: Ghi địa chỉ đăng ký thường trú (thôn, xã, huyện, tỉnh, thành phố; số nhà, đường phố, phường, thị xã, quận, thành phố).
- Nơi tạm trú: Bản thân đang tạm trú ở đâu thì ghi địa chỉ nơi tạm trú đó.
(09) Dân tộc: Ghi tên dân tộc gốc của bản thân như: Kinh, Thái, Tày, Nùng, Mường... (nếu là con lai người nước ngoài thì ghi rõ quốc tịch, dân tộc của bố, mẹ là người nước ngoài).
(10) Tôn giáo: Theo tôn giáo nào thì ghi rõ (ví dụ: đạo Phật, Công giáo, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo... ghi cả chức sắc trong tôn giáo - nếu có), nếu không theo tôn giáo nào thì ghi chữ “không”.
...
Xem chi tiết Hướng dẫn khai lý lịch người xin vào Đảng mới nhất 2024 tại đây
Hướng dẫn khai lý lịch người xin vào Đảng mới nhất 2024? Điều kiện để được kết nạp Đảng hiện nay là gì? (Hình từ internet)
Điều kiện để được kết nạp Đảng hiện nay là gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 và Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021. Cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau đây để được xem xét kết nạp vào Đảng:
(1) Về tuổi đời:
- Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).
- Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.
Chỉ xem xét kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi khi đủ các điều kiện:
+ Có sức khoẻ và uy tín;
+ Đang công tác, cư trú ở cơ sở chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên hoặc do yêu cầu đặc biệt;
+ Được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
(2) Về trình độ học vấn:
- Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
- Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư.
Người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo, nếu không bảo đảm theo Quy định thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII thì phải có trình độ học vấn tối thiểu hoàn thành chương trình bậc tiểu học.
Trình độ học vấn của người vào Đảng là già làng, trưởng bản, người có uy tín, đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo tối thiểu phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ và được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
(3) Thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng.
(4) Qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm.
(5) Bồi dưỡng nhận thức về Đảng:
Người vào Đảng phải học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, có giấy chứng nhận do trung tâm chính trị cấp huyện hoặc tương đương cấp; nơi không có trung tâm chính trị thì do cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên cấp.
(6) Có đơn tự nguyện xin vào Đảng:
Người vào Đảng phải tự làm đơn, trình bày rõ những nhận thức của mình về mục đích, lý tưởng của Đảng, về động cơ xin vào Đảng.
(7) Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ:
Người vào Đảng tự khai lý lịch, đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có vấn đề nào không hiểu và không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ.
Lý lịch phải được cấp ủy cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.
(8) Được hai đảng viên chính thức giới thiệu:
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Đáp ứng các điều kiện vừa nêu, quần chúng sẽ được xem xét kết nạp vào Đảng.
Đảng viên có những quyền gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, quy định Đảng viên có các quyền như sau:
- Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng.
- Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
- Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời.
- Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.
Đảng viên dự bị có các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.
Nguyễn Văn Phước Độ
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đảng viên có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?