Khi mua bán đất, người dân cần lưu ý những vấn đề nào theo quy định mới nhất? Cách kiểm tra sổ đỏ giả?
Chỉ mua bán đất khi có Sổ đỏ đúng không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng khi có đủ điều kiện sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, nếu người chuyển nhượng không có Giấy chứng nhận thì không nên mua, trừ 02 trường hợp mua bán đất không cần Sổ đỏ gồm:
- Nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.
- Người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế không được cấp Sổ đỏ nhưng được chuyển nhượng.
Khi mua bán đất, người dân cần lưu ý những vấn đề nào theo quy định mới nhất? Cách kiểm tra sổ đỏ giả?
Lưu ý không trả hết tiền khi chưa hoàn tất sang tên Sổ đỏ?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
...
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Như vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi đăng ký vào sổ địa chính; nếu chưa đăng ký vào sổ địa chính thì không nên trả hết tiền cho người chuyển nhượng.
Cần kiểm tra Sổ đỏ giả, có dính quy hoạch, thế chấp, đất bán cho nhiều người hay không?
(1) Cách kiểm tra sổ đỏ giả:
Cách 1: Kiểm tra trực tiếp Sổ đỏ
Căn cứ tại Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, người mua có thể kiểm tra thông qua các thông tin trên Giấy chứng nhận và mã vạch được in tại cuối trang 4 của Giấy chứng nhận.
- Mục đích của mã vạch: Mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.
- Thông tin mã vạch: Theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, mã vạch có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST, trong đó:
+ MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất. Để kiểm tra hãy đối chiếu mã đơn vị hành chính của xã, phường, thị trấn nơi có đất với mã trên Giấy chứng nhận.
Lưu ý: Trường hợp UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức thì ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào trước mã của xã, phường, thị trấn nơi có đất.
+ MN là mã của năm cấp Giấy chứng nhận, gồm hai chữ số sau cùng của năm ký cấp Giấy chứng nhận.
+ ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cách này dễ thực hiện nhưng tỷ lệ chính xác không cao do đó người mua nên kiểm tra thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Cách 2: Kiểm tra tại Văn phòng đăng ký đất đai
Để kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận thì hộ gia đình, cá nhân hãy tải phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01/PYC và điền chính xác, đầy đủ thông tin (ghi rõ lý do, thông tin thửa đất, người đứng tên Giấy chứng nhận để đối chiếu với thông tin, dữ liệu địa chính).
Sau khi điền đầy đủ thông tin thì hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân nộp phiếu yêu cầu theo một trong các cách sau:
- Nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Gửi qua đường bưu điện.
- Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý yêu cầu
- Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính cho người có yêu cầu. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
- Sau khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
Bước 3: Trả kết quả
Thời hạn thực hiện: Nếu nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.
Ngoài ra, nếu người mua không tự kiểm tra hoặc không kiểm tra tại Văn phòng đăng ký đất đai thì phải thực hiện đúng thủ tục đăng ký biến động (thủ tục sang tên), khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động để đăng ký vào sổ địa chính cơ quan đăng ký đất đai sẽ quét mã vạch, qua đó phát hiện được Giấy chứng nhận thật hay giả.
(2) Cách kiểm tra nhà đất dính quy hoạch
Để biết thửa đất có dính quy hoạch hay không thì người dân có nhiều cách kiểm tra như sau:
- Xem quy hoạch sử dụng đất trực tiếp tại trụ sở UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), cấp xã (xã, phường, thị trấn).
- Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện.
- Hỏi ý kiến công chức địa chính cấp xã hoặc người dân tại khu vực có thửa đất để biết thêm thông tin.
- Xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.
(3) Cách kiểm tra thông tin thế chấp, thửa đất chuyển nhượng cho nhiều người
Căn cứ theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013, việc thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ khi đăng ký vào sổ địa chính. Do vậy, để kiểm tra thông tin thế chấp thì nên xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Mặt khác, trong phiếu xin thông tin đất đai nếu tích vào ô lịch sử biến động hoặc ô tất cả các thông tin trên thì sẽ biết thửa đất đó đã được chuyển nhượng cho ai.
Tóm lại, có nhiều cách để kiểm tra thông tin pháp lý của thửa đất nhưng cách tốt nhất là xin thông tin đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai theo hướng dẫn dưới đây:
Để biết thông tin đất đai thì hộ gia đình, cá nhân tải phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01/PYC và điền chính xác, đầy đủ thông tin (ghi rõ lý do, thông tin thửa đất, người đứng tên Giấy chứng nhận để đối chiếu với thông tin, dữ liệu địa chính).
Sau khi điền đầy đủ thông tin thì thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân nộp phiếu yêu cầu theo một trong các cách sau:
- Nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
- Nộp tại Bộ phận một cửa để chuyển cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Gửi qua đường bưu điện.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý yêu cầu
- Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính cho người có yêu cầu. Nếu từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
- Sau khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
Bước 3: Trả kết quả
Thời hạn thực hiện: Nếu nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.
Lưu ý về cách đặt cọc tiền?
Thông thường trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng đất, mua bán đất các bên thường đặt cọc tiền trước để “làm tin”. Quy định về đặt cọc và phạt vi phạm được quy định rõ tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, việc đặt cọc nên lập thành văn bản có chữ ký đầy đủ của các bên và nên có người làm chứng; dù không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực nhưng nếu số tiền đặt cọc lớn thì vẫn nên công chứng, chứng thực.
Không mua bán nhà đất bằng giấy viết tay?
Căn cứ tại Điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
...
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này
Như vậy, từ ngày 01/7/2014 đến nay khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, nếu không sẽ vô hiệu vì vi phạm hình thức, trừ trường 02 trường hợp sau:
- Một hoặc các bên chuyển nhượng là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
- Một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực theo khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.
Không chuyển nhượng nhà đất bằng vi bằng?
Căn cứ tại Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng như sau:
Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng
1. Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.
2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.
Theo đó, vi bằng không có giá trị thay thế hợp đồng chuyển nhượng có công chứng, chứng thực; mà theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng khi chuyển nhượng nhà đất.
Ngoài ra, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi nhận chuyển nhượng nếu không chắc chắn về các thông tin mà người chuyển nhượng đưa ra hoặc không nắm chắc pháp luật đất đai thì nên thuê tổ chức, cá nhân hiểu pháp luật về đất đai hoặc công ty, văn phòng luật để tư vấn hoặc thực hiện thay.
Nguyễn Trần Hoàng Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?