Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm có được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt không? Việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt được thực hiện theo trình tự nào?
Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt không?
Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng trái phiếu đặc biệt
Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 19/2013/TT-NHNN, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 32/2019/TT-NHNN, khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Là khoản nợ xấu theo quy định tại khoản 7a Điều 3 Thông tư này;
- Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm;
- Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, trong đó phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:
+ Hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, hợp đồng ủy thác cấp tín dụng, hợp đồng mua bán nợ, hợp đồng mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng;
+ Khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng;
+ Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật tại thời điểm mua, bán nợ.
Công ty Quản lý tài sản căn cứ quy định của pháp luật liên quan để xác định khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.
- Khách hàng vay còn tồn tại;
- Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu hoặc các khoản nợ xấu của một khách hàng vay hoặc các khoản nợ xấu của một nhóm khách hàng vay theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với nhóm khách hàng vay và khách hàng vay là tổ chức; không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân hoặc mức khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.”
Ngoài ra, khoản 2 và khoản 3 Điều 16 Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động này như sau:
- Căn cứ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực của Công ty Quản lý tài sản, tình hình thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định đối tượng và các khoản nợ xấu cụ thể Công ty Quản lý tài sản mua trong từng thời kỳ.
- Ngân hàng Nhà nước xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc Công ty Quản lý tài sản mua các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này theo đề nghị của Công ty Quản lý tài sản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và xử lý nhanh nợ xấu.
Như vậy, khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm cần phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện còn lại nêu trên thì mới có thể được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt.
Hồ sơ đề nghị mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt bao gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ đề nghị mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt bao gồm những thành phần quy định tại Điều 17 Thông tư 19/2013/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 32/2019/TT-NHNN:
(1) Tổ chức tín dụng rà soát các khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này và lập hồ sơ đề nghị mua nợ gửi Công ty Quản lý tài sản. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị mua nợ theo mẫu của Công ty Quản lý tài sản;
b) Danh sách, thông tin về các khoản nợ xấu theo yêu cầu của Công ty Quản lý tài sản; đánh giá thực trạng từng khoản nợ xấu, khách hàng vay mà tổ chức tín dụng đề nghị bán cho Công ty Quản lý tài sản (thời gian đã quá hạn, thực trạng tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bên bảo đảm, tài sản bảo đảm, khả năng thu hồi vốn); đề xuất thời hạn của trái phiếu đặc biệt tương ứng với từng khoản nợ xấu;
c) Văn bản cam kết về khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bán nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ;
d) Bản sao hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, hợp đồng ủy thác cấp tín dụng, hợp đồng mua bán nợ, hợp đồng mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm do người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng bán nợ xác nhận;”
đ) Bản sao hồ sơ, giấy tờ liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ do người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng bán nợ xác nhận theo yêu cầu của Công ty Quản lý tài sản.
(2) Các hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này phải được ký bởi người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng bán nợ. Các hồ sơ quy định tại các điểm d, đ khoản 1 Điều này phải được ký kết bởi người đại diện hợp pháp của các bên và được công chứng, chứng thực, đăng ký theo quy định của pháp luật (nếu có).
(3) Trường hợp Công ty Quản lý tài sản không ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện một số hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, tổ chức tín dụng bán nợ bàn giao bản chính các hồ sơ quy định tại các điểm d, đ khoản 1 Điều này cho Công ty Quản lý tài sản.
(4) Tổ chức tín dụng bán nợ chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác, trung thực của hồ sơ, tài liệu, văn bản liên quan đến tài sản bảo đảm, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản.
Trình tự, thủ tục mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt được thực hiện như thế nào?
Điều 18 Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định trình tự, thủ tục mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt
(1) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị mua nợ của tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản phải tiến hành kiểm tra hồ sơ và yêu cầu tổ chức tín dụng bán nợ bổ sung hồ sơ khi cần thiết.
(2) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 17 Thông tư này, Công ty Quản lý tài sản xem xét, thẩm định tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và có văn bản trả lời tổ chức tín dụng về việc mua hoặc không mua các khoản nợ xấu. Trường hợp không mua nợ, văn bản trả lời phải nêu rõ lý do.
(3) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo đồng ý mua nợ của Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản tiến hành ký kết hợp đồng mua, bán nợ.
(4) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, bán nợ, tổ chức tín dụng bán nợ phải thông báo cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm về nội dung bán nợ để biết và thực hiện nghĩa vụ với Công ty Quản lý tài sản.
(5) Sau khi ký kết hợp đồng mua, bán nợ, Công ty Quản lý tài sản tiếp tục kiểm tra, thu thập thông tin và đánh giá khách hàng vay, khoản nợ xấu, tính chính xác, trung thực của hồ sơ, tài liệu liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Như vậy, khoản nợ xấu được có tài sản bảo đảm nếu muốn được mua bằng trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản thực hiện thì cần đáp ứng đủ những điều kiện còn lại theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 19/2013/TT-NHNN, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 32/2019/TT-NHNN. Việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt này phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục luật định.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trái phiếu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu đề cương báo cáo nội dung về công tác thanh tra định kỳ mới nhất? Có bao nhiêu nguyên tắc hoạt động thanh tra?
- Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 1954 Liên quân Việt Lào giải phóng thị xã Thà Khẹt vào thời gian nào?
- Có được trừ ngày nghỉ phép năm vào lịch nghỉ Tết âm lịch của người lao động tại các doanh nghiệp không?
- Cá nhân cải tạo nhà ở có phải kết hợp với việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa không?
- Chủ hàng hóa xuất nhập khẩu là người khai hải quan đúng không? Gian lận thuế là hành vi bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan?