Không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động có được bảo lưu không?
- Không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động có được bảo lưu không?
- Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ vào đâu để thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp?
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được tính bằng công thức nào?
Không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động có được bảo lưu không?
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH) quy định như sau:
Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu xác định như sau:
...
d) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Người lao động không đến nhận tiền và không thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Ví dụ 11: Bà Nguyễn Thị L có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Bà L đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên. Tuy nhiên, sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà L vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai và thứ ba. Như vậy, bà L đã nhận trợ cấp thất nghiệp 01 tháng (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bà L được bảo lưu là 0 tháng.
...
Theo quy định, người lao động không đến nhận tiền và không thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
Đối chiếu với trường hợp anh chia sẻ: anh tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 15 tháng và được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng.
Tuy nhiên, anh đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiền (tức là anh đã nhận trợ cấp thất nghiệp 01 tháng - tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp).
Cho nên nếu sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp mà anh vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai và thứ ba thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của anh được bảo lưu là 3 tháng.
Không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động có được bảo lưu không? (Hình từ Internet)
Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ vào đâu để thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Căn cứ bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH) như sau:
Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
...
2. Đối với các trường hợp tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu.
3. Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ các quyết định liên quan đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp và việc xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào Sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ các quyết định liên quan đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp và việc xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào Sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được tính bằng công thức nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động như sau:
Mức hưởng và tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được xác định như sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%
a) Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được tính bằng công thức sau đây:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng | = | Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp | x | 60% |
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trợ cấp thất nghiệp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?