Kiểm toán viên có được phép hành nghề với tư cách cá nhân không? Nếu bị phát hiện hành nghề với tư cách cá nhân thì có bị xử lý không?
Kiểm toán viên là ai?
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011 định nghĩa về kiểm toán viên như sau;
"Điều 5. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam."
Theo đó, tại khoản 3 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định đối với kiểm toán viên hành là kiểm toán viên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
Kiểm toán viên hành nghề có quyền và nghĩa vụ nào?
Kiểm toán viên là người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán được xác định là kiểm toán viên hành nghề. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề được quy định tại Điều 17 và Điều 18 Luật Kiểm toán độc lập 2011 như sau:
* Quyền của kiểm toán viên hành nghề
Khi hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề có các quyền sau đây:
- Hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật này;
- Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;
- Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;
- Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán.
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
* Nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề
Khi hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập;
- Không can thiệp vào hoạt động của khách hàng, đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán;
- Từ chối thực hiện kiểm toán cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán nếu xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Từ chối thực hiện kiểm toán trong trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật;
- Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm;
- Thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp;
- Thực hiện kiểm toán, soát xét hồ sơ kiểm toán hoặc ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán và hoạt động kiểm toán của mình;
- Báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động kiểm toán của mình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật của nước sở tại trong trường hợp hành nghề kiểm toán ở nước ngoài;
- Chấp hành yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, kiểm toán viên khi hành nghề được hưởng các quyền và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân
Kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân có bị xử lý không?
Theo Điều 13 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi bị nghiêm cấm đối với kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề như sau:
- Hành nghề kiểm toán với tư cách cá nhân;
- Giả mạo, cho thuê, cho mượn hoặc cho sử dụng tên và chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán để thực hiện hoạt động kiểm toán;
- Làm việc cho hai doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam trở lên trong cùng một thời gian;
- Hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, ta thấy kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề bị cấm hành nghề với tư cách cá nhân.
Trường hợp kiểm toán viên bị phát hiện hành nghề với tư cách cá nhân thì sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 49 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hành nghề kiểm toán với tư cách cá nhân (Mức phạt tiền này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt tiền quy định đối với tổ chức theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm này, kiểm toán viên còn bị áp dụng hình phạt bổ sung theo khoản 3 Điều 49 Nghị định 41/2018/NĐ-CP như sau:
Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực đối với kiểm toán viên hành nghề thực hiện hành vi hành nghề kiểm toán với tư cách cá nhân.
Như vậy, kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam.
Theo đó, kiểm toán viên được cấp Giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán thì được xem là kiểm toán viên hành nghề và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định. Kiểm toán viên khi hành nghề phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và không được thực hiện những hành vi bị cấm tại Điều 13 Luật Kiểm toán độc lập 2011. Trường hợp kiểm toán viên bị phát hiện hành nghề với tư cách cá nhân thì sẽ bị xử lý với hình thức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
Trần Thị Huyền Trân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Kiểm toán viên có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?