Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được hưởng chế độ giảm giờ làm, hưởng lương như thế nào?
- Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được hưởng chế độ giảm giờ làm như thế nào?
- Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi muốn làm việc luôn trong thời gian được giảm thì hưởng lương như thế nào?
- Bắt lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi đi công tác xa mà không có sự đồng ý của người đó thì công ty có thể bị phạt bao nhiêu tiền?
Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được hưởng chế độ giảm giờ làm như thế nào?
Hiện nay chế độ giảm giờ làm việc của lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được chia làm hai đối tượng sau:
(1) Đối với lao động nữ làm công việc bình thường: Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ sẽ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động (khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019)
(2) Đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con: Nhóm đối tượng này sẽ được nghỉ 2 giờ làm việc, thời gian nghỉ này vẫn được hưởng nguyên lương.
>> Trong đó:
- 1 giờ làm việc được giảm theo quy định chung tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019: Lao động nữ khi nuôi con nhỏ sẽ được giảm 60 phút vào giờ làm việc, hưởng nguyên lương.
- 1 giờ làm việc được giảm theo theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019: Khi lao động nữ làm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con nếu người sử dụng lao động không chuyển lao động nữ làm công việc khác thì lao động nữ sẽ được giảm 1 giờ làm việc.
Nếu lao động nữ đã được chuyển làm công việc khác nhẹ hơn thì không được giảm giờ 1 giờ làm việc nữa. Khi đó lao động nữ chỉ được hưởng giảm 1 giờ làm việc theo khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 nêu trên.
>> Tải Mẫu Đơn xin nghỉ thêm chế độ thai sản khi đã hết thời gian nghỉ mới nhất tại đây.
Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Hình từ Internet)
Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi muốn làm việc luôn trong thời gian được giảm thì hưởng lương như thế nào?
Tại khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn cho chế độ giảm 1 giờ làm việc chung tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo chế độ nghỉ 1 giờ làm việc hưởng nguyên lương, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
Như vậy, đối với chế độ giảm 1 giờ làm việc chung cho các lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì khi người lao động không có nhu cầu nghỉ 1 giờ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài hưởng 100% lương của 1 giờ được giảm thì người lao động được trả 100% lương cho 1 giờ làm việc này.
Tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 được quy định như sau:
Bảo vệ thai sản
....
2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Đối với chế độ giảm 1 giờ làm do người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con thì không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Do đó, về nguyên tắc, khi người lao động làm việc trong thời gian được nghỉ hưởng nguyên lương và được người sử dụng lao động đồng ý sẽ được hưởng lương làm thêm theo công việc mà người đó đã làm trong thời gian được nghỉ.
Bắt lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi đi công tác xa mà không có sự đồng ý của người đó thì công ty có thể bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại điểm b khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;
b) Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý;
c) Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai mà người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động biết theo quy định tại khoản 2 Điều 137 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;
...
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền với mức phạt gấp đôi.
Như vậy, công ty bắt bắt lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi đi công tác xa mà không có được sự đồng ý của người đó sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Nguyễn Anh Hương Thảo
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Lao động nữ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở gồm những gì? Thời hạn lập Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất?
- Phổ cập giáo dục là gì? Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục cho cấp học nào? Ai thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục?
- 03 cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định? Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo cấp lý luận chính trị nào?
- Mẫu Đơn đề nghị tách hội mới nhất? Hướng dẫn lập đơn đề nghị tách hội? Tải về mẫu đơn đề nghị tách hội ở đâu?
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?