Môn Giáo dục thể chất hiện nay có được đánh giá bằng điểm số không? Khi nào học sinh cấp 2, cấp 3 được miễn thực hành môn Giáo dục thể chất?
Môn Giáo dục thể chất hiện nay có được đánh giá bằng điểm số không?
Theo khoản 3 Điều 5 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về hình thức đánh giá như sau:
Hình thức đánh giá
...
2. Đánh giá bằng điểm số
a) Giáo viên dùng điểm số để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
b) Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.
3. Hình thức đánh giá đối với các môn học
a) Đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.
b) Đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông, trừ các môn học quy định tại điểm a khoản này; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10. Điểm đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc đánh giá đối với môn Giáo dục thể chất là theo hình thức nhận xét với 2 kết quả là Đạt yêu cầu (Đ) và Chưa đạt yêu cầu (CĐ).
Môn Giáo dục thể chất hiện nay có được đánh giá bằng điểm số không? Khi nào học sinh cấp 2, cấp 3 được miễn thực hành môn Giáo dục thể chất? (Hình từ Internet).
Khi nào học sinh cấp 2, cấp 3 được miễn thực hành môn Giáo dục thể chất?
Căn cứ Điều 10 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có quy định như sau:
Đánh giá học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh
1. Học sinh gặp khó khăn trong học tập do mắc bệnh mãn tính, bị khuyết tật, bị tai nạn hoặc bị bệnh phải điều trị được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
2. Hồ sơ xin miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh gồm có: Đơn xin miễn học của học sinh và bệnh án hoặc giấy chứng nhận thương tật do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp.
3. Việc cho phép miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh đối với các trường hợp do bị ốm đau hoặc tai nạn chỉ áp dụng trong năm học; các trường hợp bị bệnh mãn tính, khuyết tật hoặc thương tật lâu dài được áp dụng cho cả năm học hoặc cả cấp học. Hiệu trưởng nhà trường cho phép học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh theo từng học kì hoặc từng năm học.
4. Đối với học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định tại Điều này được kiểm tra, đánh giá thay thế bằng nội dung lý thuyết để có đủ số lần kiểm tra, đánh giá theo quy định.
Như vậy, đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (tức cấp 2 và cấp 3) thì sẽ được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất hay môn thể dục khi gặp khó khăn trong học tập do mắc bệnh mãn tính, bị khuyết tật, bị tai nạn hoặc bị bệnh phải điều trị.
Để được miễn thì học sinh phải nộp hồ sơ cho Hiệu trưởng nhà trường gồm có đơn xin miễn học thực hành và bệnh án hoặc giấy chứng nhận thương tật do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp.
Về thời hạn được miễn thực hành môn Giáo dục thể chất được chia làm các trường hợp như sau:
- Trường hợp do bị ốm đau hoặc tai nạn chỉ áp dụng trong năm học;
- Trường hợp bị bệnh mãn tính, khuyết tật hoặc thương tật lâu dài được áp dụng cho cả năm học hoặc cả cấp học
Lưu ý: Đối với học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh được kiểm tra, đánh giá thay thế bằng nội dung lý thuyết để có đủ số lần kiểm tra, đánh giá theo quy định.
Giáo dục thể chất trong nhà trường có phải là môn học bắt buộc đối với học sinh cấp 2, cấp 3 hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 11/2015/NĐ-CP quy định vị trí, mục tiêu giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường:
Vị trí, mục tiêu giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường
1. Giáo dục thể chất trong nhà trường là nội dung giáo dục, môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
...
Và theo Điều 1 Nghị định 11/2015/NĐ-CP quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.
2. Nghị định này áp dụng đối với các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường trung cấp, trường cao đẳng; trường đại học, học viện, đại học vùng và đại học quốc gia (sau đây gọi chung là nhà trường) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Nghị định này không áp dụng về giáo dục thể chất đối với các trường đào tạo chuyên ngành thể dục, thể thao.
Như vậy, theo quy định nêu trên, giáo dục thể chất trong nhà trường là môn học bắt buộc đối với học sinh trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông tức trường cấp 2 và trường cấp 3.
Lưu ý: Quy định này không áp dụng về giáo dục thể chất đối với các trường đào tạo chuyên ngành thể dục, thể thao.
Phạm Thị Thục Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giáo dục thể chất có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?