Mức thu nhập tối đa đóng BHXH tự nguyện từ 01/7/2023 là bao nhiêu? Mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện ra sao?
Mức thu nhập tối đa đóng BHXH tự nguyện từ 01/7/2023 là bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP về mức đóng BHXH tự nguyện như sau:
Mức đóng
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội và theo phương thức đóng tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được quy định như sau:
1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng do người tham gia lựa chọn, theo công thức sau:
Mức đóng = 22% x Mức thu nhập do người tham gia lựa chọn
Trong đó:
- Trường hợp thuộc các đối tượng được hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện thì mức đóng hàng tháng sẽ trừ ra mức Nhà nước hỗ trợ.
- Mức thu nhập tối đa đóng BHXH tự nguyện là 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm.
Căn cứ Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Từ 01/7/2023, mức lương cơ sở được tính là 1.800.000 đồng/tháng.
Đồng thời, căn cứ mục 2 Công văn 1927/BHXH-TST năm 2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có xác định mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện tối đa như sau:
2. Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 01/7/2023 cao nhất là 36.000.000 đồng/tháng (1.800.000 đồng/tháng x 20 lần).
Như vậy, mức thu nhập đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa từ 01/7/2023 là 36 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập tối đa đóng BHXH tự nguyện từ 01/7/2023? Mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện ra sao? (Hình từ Internet)
Mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện ra sao?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:
Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ:
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể:
a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.
Như vậy, mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia được xác định theo tỷ lệ như sau như sau:
- Đối với hộ nghèo: Tỷ lệ hỗ trợ = 30%;
- Đối với hộ cận nghèo: Tỷ lệ hỗ trợ = 25%;
- Các đối tượng khác: Tỷ lệ hỗ trợ = 10%.
Trong đó, thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.
Thời điểm đóng BHXH tự nguyện là khi nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP có quy định về thời điểm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động như sau:
Thời điểm đóng
1. Thời điểm đóng bảo hiểm xã hội đối với phương thức đóng quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được thực hiện như sau:
a) Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng;
b) Trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần;
c) Trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần;
d) Trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
2. Thời điểm đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu quy định tại Điểm đ và Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được thực hiện tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng.
3. Quá thời điểm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội thì được coi là tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Người đang tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Như vậy, thời điểm đóng BHXH tự nguyện được thực hiện theo nội dung quy định nêu trên.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?