Mức tiền thưởng tết tối thiểu dành cho người lao động phải từ bao nhiêu tháng lương trở lên theo quy định hiện nay?
Tiền thưởng tết ít nhất phải từ bao nhiêu tháng lương của người lao động?
Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền thưởng tết là số tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Hiện tại pháp luật không có quy định cụ thể về mức tiền thưởng tết dành cho người lao động.
Số tiền thưởng tết sẽ được xác định theo Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó, mức tiền thưởng tết tối thiểu sẽ do người sử dụng lao động quyết định. Thông thường mức tiền thưởng tết cho người lao động thường sẽ là một tháng lương.
Đối với những người lao động làm việc có hiệu quả, đạt thành tích cao trong công việc thì mức tiền thưởng có thể là 02 hoặc 03 tháng lương hoặc có thể cao hơn nữa tùy theo quy chế và kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty trong một năm.
Mức tiền thưởng tết tối thiểu dành cho người lao động phải từ bao nhiêu tháng lương trở lên theo quy định hiện nay? (Hình từ Internet)
Tiền thưởng tết cho người lao động có thuộc khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay không?
Tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012) như sau:
Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
...
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân như sau:
Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế của cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây:
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
...
e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:
- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng;
- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận;
- Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
- Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
...
Như vậy, khoản tiền thưởng tết của người lao động thuộc khoản thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Số ngày nghỉ tết âm lịch tối đa của người lao động là bao nhiêu ngày?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về số ngày nghỉ lễ tết như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, số ngày nghỉ tết âm lịch tối đa của người lao động là 05 ngày. Tuy nhiên, nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ tết âm lịch thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo đó, Mùng 1 Tết và Mùng 2 Tết trong năm nay sẽ rơi vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật,nên người lao động sẽ được nghỉ 02 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần.
Ngoài ra, trong trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận khác (dùng ngày phép năm hoặc nghỉ không lương) thì số ngày nghỉ tết của người lao động còn có thể tăng thêm.
Trần Thành Nhân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thưởng tết có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?
- Mẫu bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn sử dụng trong đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non?
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?