Mức xử phạt đối với doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam năm 2022?
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là gì?
- Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định như thế nào?
- Doanh nghiệp có bắt buộc phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam không?
- Mức xử phạt đối với doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam?
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, theo đó có thể hiểu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cụ thể như sau:
"Điều 13. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này."
Doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam có bị xử phạt không?
Doanh nghiệp có bắt buộc phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam không?
Theo khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:
"3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền."
Như vậy, theo quy định nêu trên, doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
Mức xử phạt đối với doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam?
Căn cứ theo Điều 51 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp cụ thể như sau:
"1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam;
b) Không ủy quyền bằng văn bản cho người khác làm đại diện hoặc ủy quyền bằng văn bản đã hết hạn nhưng không gia hạn khi người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp xuất cảnh khỏi Việt Nam;
c) Người đại diện theo ủy quyền không đủ tiêu chuẩn theo quy định;
d) Ủy quyền vượt quá số lượng người được ủy quyền tối đa theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng ký người đang cư trú tại Việt Nam làm người đại diện của doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc ủy quyền cho người khác làm đại diện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thay đổi người đại diện đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này."
Lưu ý: theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền thì mức phạt trên đây là mức phạt được quy định đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký người đang cư trú tại Việt Nam làm người đại diện của doanh nghiệp đối.
Trên đây là những thông tin liên quan đến mức xử phạt đối với doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam mà chúng tôi cung cấp tới bạn. Trân trọng!
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Người đại diện theo pháp luật có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan là hạt nhân chính trị ở cơ sở đúng không? Nhiệm vụ lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng?
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?