Mức xử phạt đối với hành vi khai hải quan sai về chất lượng của hàng hóa nhập khẩu được quy định như thế nào?
Người khai hải quan là ai theo quy định pháp luật hiện hành?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định về người khai hải quan như sau:
Người khai hải quan
Người khai hải quan gồm:
1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.
2. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.
3. Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế.
4. Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa, trung chuyển hàng hóa.
5. Đại lý làm thủ tục hải quan.
6. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.
Theo đó, người khai hải quan bao gồm những người được quy định cụ thể trên.
Khai hải quan (Hình từ Internet)
Các hành vi nào bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan?
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Hải quan 2014 quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan như sau:
Hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan
....
2. Đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải:
a) Thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan;
b) Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
c) Gian lận thương mại, gian lận thuế;
d) Đưa hối lộ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mưu lợi bất chính;
đ) Cản trở công chức hải quan thi hành công vụ;
e) Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan;
g) Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.
Theo đó, người khai hải quan sẽ bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 10 nêu trên. Trong đó có cấm hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan.
Mức xử phạt đối với hành vi khai hải quan sai về chất lượng của hàng hóa nhập khẩu được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi trốn thuế như sau:
Xử phạt đối với hành vi trốn thuế
1. Các hành vi trốn thuế gồm:
...
h) Khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa;
...
2. Người nộp thuế có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền như sau:
a) Phạt 01 lần số tiền thuế trốn trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng;
b) Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền thuế trốn.
3. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
....
Theo đó, nếu hành vi trốn thuế không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 14 nêu trên. Đồng thời người vi phạm buộc phải nộp đủ số tiền thuế trốn.
Căn cứ Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội trốn thuế như sau:
Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
....
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
....
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 200 trên trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Phạm tội thuộc những trường hợp khác theo quy định nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với khung hình phạt tương ứng.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bạn chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 200 nêu trên, bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP nêu trên. Đồng thời bạn buộc phải nộp đủ số tiền thuế trốn cho hành vi vi phạm của bạn.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Khai hải quan có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?
- Có phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất không?
- Người điều khiển ô tô có được dừng xe song song với xe khác không? Nếu không được thì có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?