Nếu người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử có được đình chỉ xét xử phúc thẩm không?
Người nào có quyền kháng cáo?
Theo Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về người có quyền kháng cáo, theo đó những người sau đây là người có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm:
- Đương sự
- Người đại diện hợp pháp của đương sự
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện.
Đình chỉ xét xử phúc thẩm
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm trong vụ án dân sự?
Tại Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm như sau:
(1) Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:
- Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
- Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
- Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng.
(2) Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
(3) Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
(4) Thời hạn quy định tại Điều này không áp dụng đối với vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài.
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm?
Theo Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm, theo đó Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sau đây:
(1) Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
(2) Sửa bản án sơ thẩm;
(3) Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
(4) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
(5) Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
(6) Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý.
Người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử có được đình chỉ xét xử phúc thẩm không?
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc hoãn phiên tòa phúc thẩm như sau:
"2. Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
3. Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.
Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án."
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, việc người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm sẽ tùy vào từng trường hợp để xử lý, cụ thể:
(1) Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất:
- Người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm và không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm.
- Trường hợp, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
(2) Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai:
- Nếu người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm và không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo. Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó.
- Nếu họ vắng mặt do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
- Trường hợp, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Hội đồng xét xử không đình chỉ xét xử phúc thẩm mà tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Do đó, không phải mọi trường hợp, người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phiên tòa phúc thẩm có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trường hợp nào thì tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay? Đình chỉ thực hiện chuyến bay như thế nào?
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt, giáo dục thường xuyên mới nhất?
- Công chức quản lý thuế có bao gồm công chức hải quan? Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để gian lận thuế?
- Khai quyết toán thuế là gì? Thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là bao lâu?
- Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở gồm những gì? Thời hạn lập Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất?