Ngày đáo hạn vay ngân hàng là gì? Đáo hạn vay ngân hàng và đảo nợ là có sự khác nhau như thế nào?
Ngày đáo hạn vay ngân hàng là gì?
Hiện nay, chưa có bất kỳ quy định pháp luật nào về ngày đáo hạn, đáo hạn hay ngày đáo hạn vay ngân hàng.
Thực tế được hiểu:
Ngày đáo hạn (Maturity date) là ngày cuối cùng để thanh toán khoản vay (hoặc khoản nợ) hoặc các hợp đồng tài chính khác như tiền gửi có kỳ hạn hoặc trái phiếu. Tại ngày này, toàn bộ số tiền gốc kèm theo tất cả các khoản lãi còn tồn tại đến hạn trả.
Đáo hạn là thuật ngữ được áp dụng chung cho tất cả các ngành liên quan đến tiền tệ tài chính. Đáo hạn bao gồm rất nhiều như: Đáo hạn thẻ tín dụng, Đáo hạn sổ tiết kiệm, Đáo hạn vay ngân hàng, Đáo hạn thẻ tín dụng, Đáo hạn trái phiếu, Đáo hạn hợp đồng bảo hiểm,….và còn nhiều kiểu đáo hạn khác.
Ngày đáo hạn vay ngân hàng là ngày cuối cùng phải trả lại số tiền vay cùng với lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng vay.
Ví dụ về ngày đáo hạn khoản vay:
Khách hàng A đã vay số tiền 2 tỷ đồng từ ngân hàng B với thời hạn vay là 1 năm và lãi suất 8%/năm. Hợp đồng ghi rõ ngày bắt đầu vay là ngày 1/1/2023 và ngày đáo hạn là ngày 1/1/2024.
Ngày đáo hạn vay ngân hàng?
Đáo hạn ngân hàng và đảo nợ có sự khác nhau như thế nào?
Đáo hạn ngân hàng và đảo nợ đều có cùng mục đích nhằm kéo dài thêm thời gian trả nợ cho một khoản vay cũ sắp đến hạn phải thanh toán cho ngân hàng. Tuy nhiên, giữa đáo hạn vay ngân hàng và đảo nợ có sự khác nhau nhất định:
+ Đáo hạn ngân hàng là hình thức ngân hàng tái vay vốn khi thời hạn trả khoản vay cũ đã hết nhưng nợ vẫn chưa trả xong.
+ Đảo nợ được thực hiện để biến 1 khoản vay cũ sắp đến hạn trả nợ thành 1 khoản vay mới, nhằm kéo dài thời gian trả nợ. Nói cách khác, đảo nợ là cho giải ngân một hợp đồng mới để trả nợ cho hợp đồng cũ.
Đảo nợ là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN có quy định:
Những nhu cầu vốn không được cho vay
Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn:
...
5. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
6. Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
b) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
...
Đáo hạn ngân hàng có thể được thực hiện nếu thực hiện theo hình thức cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Điều 19 Thông tư 39/2016/TT-NHNN:
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:
1. Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.
2. Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
3. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.
Vi dụ: A vay 100 triệu đồng trong thời hạn 1 năm, với lãi suất là 7% /năm, bắt đầu từ ngày 20/6/2023. Vậy khách hàng A sẽ phải thanh toán số tiền đi vay và lãi suất trước ngày 20/6/2024. Ngày 20/6/2024 được coi là ngày đáo hạn. Nếu đến ngày đáo hạn, A có thể lựa chọn đáo hạn ngân hàng bằng cách đề nghị ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ để phù hợp quy định pháp luật. Nếu A lựa chọn đảo nợ thì A sẽ yêu cầu ngân hàng cho A vay hoặc ngân hàng khác giải ngân một khoản vay khác để trả nợ, hình thức này bị cấm theo quy định của pháp luật.
Điều kiện để được vay vốn hiện nay?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
+ Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
+ Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
+ Có phương án sử dụng vốn khả thi.
+ Có khả năng tài chính để trả nợ.
Phạm Phương Khánh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đáo hạn ngân hàng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu quy chế văn hóa doanh nghiệp? Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là ngày mấy? Mục đích tổ chức Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam?
- Giá điện năng thị trường là gì? Giá thị trường áp dụng cho đơn vị phát điện trực tiếp giao dịch quy định như thế nào?
- Mẫu lời chúc Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 theo môn học dành cho tặng thầy cô giáo? Được tặng tiền ngày 20 11 thì thầy cô giáo xử lý thế nào?
- Bão số 7 là gì? Bản tin bão số 7 trên Biển Đông ban hành khi nào? Dự báo về ảnh hưởng của bão số 7 trên Biển Đông như thế nào?
- Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức thuộc Bộ GDĐT ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024?