Ngày truyền thống Công an nhân dân 19/8 có được xem là ngày lễ lớn? Công an nhân dân chịu sự quản lý trực tiếp của ai?
Lấy ngày 19/8 làm Ngày truyền thống Công an nhân dân từ khi nào? Ngày truyền thống Công an nhân dân 19/8 có được xem là ngày lễ lớn?
Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc.
Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tải sản của nhân dân.
Từ đó đến nay, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam.
Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân 2005 (đã hết hiệu lực), trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Đồng thời, tại Điều 6 Luật Công an nhân dân 2018 có quy định về ngày truyền thống của Công an nhân dân như sau:
Ngày truyền thống của Công an nhân dân
Ngày 19 tháng 8 hằng năm là ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Như vậy, có thể thấy ngày 19 tháng 8 hằng năm được lấy làm ngày truyền thống Công an nhân dân từ năm 1945.
Ngoài ra, ngày 19 tháng 8 hằng năm còn là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định về các ngày lễ lớn trong nước như sau:
Các ngày lễ lớn
Các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:
1. Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
4. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
7. Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Theo như quy định trên thì ngày truyền thống Công an nhân dân không thuộc các ngày lễ lớn của nước ta.
Tuy nhiên, ngày 19/8 cũng là Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công , là ngày lễ lớn theo quy định của pháp luật.
Lấy ngày 19/8 làm Ngày truyền thống Công an nhân dân thừ khi nào? Ngày truyền thống Công an nhân dân 19/8 có được xem là ngày lễ lớn? (Hình từ Internet)
Công an nhân dân chịu sự quản lý trực tiếp của ai?
Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 3 Luật Công an nhân dân 2018).
Dẫn chiếu đến Điều 4 Luật Công an nhân dân 2018 có quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân như sau:
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân
1. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Được tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở.
3. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo đó, Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
Ngày truyền thống Công an nhân dân thì người lao động có được nghỉ không?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về những ngày lễ, tết mà người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, người lao động chỉ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
(1) Tết Dương lịch.
(2) Tết Âm lịch.
(3) Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch).
(4) Ngày Quốc tế lao động (ngày 01 tháng 5 dương lịch).
(5) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).
(6) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Như vậy, có thể thấy, nếu Ngày truyền thống Công an nhân dân rơi vào ngày làm việc bình thường thì người lao động vẫn phải đi làm (tức là không được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương) theo quy định.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Ngày truyền thống Công an nhân dân có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?
- Có phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất không?