Nghĩa vụ chịu án phí tranh chấp đất đai là của ai trong vụ án sơ thẩm? Người nộp tạm ứng án phí có phải là người chịu án phí hay không?
Nghĩa vụ chịu án phí tranh chấp đất đai là của ai trong vụ án sơ thẩm?
Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 với nội dung như sau:
"Điều 147. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm
1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
2. Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.
3. Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.
5. Trong vụ án có đương sự được miễn án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
6. Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết theo quy định tại Điều này."
Như vậy người chịu án phí sẽ được quyết định khi Tòa án giải quyết xong yêu cầu của các bên. Và khi đó bên nào không được chấp nhận yêu cầu thì phải chịu án phí trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp án phí. Mội số trường hợp ngoại lệ được giải quyết theo quy định trên.
Bên cạnh đó tại khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH quy định án phí tranh chấp đất đai như sau:
"Điều 27. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể
...
2. Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;
a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng."
Như vậy đối án phí tranh chấp đất đai thì còn phải xét về đó là vụ án có giá ngạch hay không có giá ngạch.
Nghĩa vụ chịu án phí tranh chấp đất đai là của ai trong vụ án sơ thẩm? (Hình từ Internet)
Người chịu án phí tranh chấp đất đai có phải là người nộp tạm ứng án phí hay không?
Về nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm được quy định tại Điều 25 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 như sau:
"Điều 25. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm
1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Nghị quyết này.
2. Trường hợp vụ án có nhiều nguyên đơn mà mỗi nguyên đơn có yêu cầu độc lập thì mỗi nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người. Trường hợp các nguyên đơn cùng chung một yêu cầu thì các nguyên đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
3. Trường hợp vụ án có nhiều bị đơn mà mỗi bị đơn có yêu cầu phản tố độc lập thì mỗi bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người. Trường hợp các bị đơn cùng chung một yêu cầu phản tố thì các bị đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
4. Trường hợp vụ án có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì mỗi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người. Trường hợp những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng chung một yêu cầu độc lập thì họ phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
5. Trường hợp đình chỉ việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 397 của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án phải yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự giải quyết vụ án theo thủ tục chung."
Theo đó có thể hiểu tạm ứng án phí sẽ nộp theo yêu cầu của các bên khi gửi yêu cầu đến Tòa án, người nào có yêu cầu sẽ nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu đó.
Nghĩa là việc nộp án phí sẽ thực hiện vào giai đoạn đầu giải quyết vụ án như vậy người nộp tạm ứng án phí có thể sẽ không phải người chịu án phí. Vì sau khi giải quyết vụ án mới có thể xác định người chịu án phí.
Có trường hợp nào được miễn án phí tranh chấp đất đai hay không?
Các trường hợp được miễn án phí đươc quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 gồm:
"Điều 12. Miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án
1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
a) Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
b) Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
c) Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
d) Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ."
Như vậy đối với án phí tranh chấp đất đai sẽ được miễn cho các đối tượng là:
- Trẻ em.
- Cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
- Người cao tuổi.
- Người khuyết tật.
- Người có công với cách mạng.
- Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Tham khảo thêm Đơn đề nghị miễn giảm án phí Tòa án
Ngô Diễm Quỳnh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Án phí có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Anh em họ hàng xa có yêu nhau được không? Anh em họ hàng xa yêu nhau có vi phạm pháp luật không?
- Tốc độ tối đa của xe cơ giới khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) từ 2025 là bao nhiêu?
- Đất xây dựng cơ sở ngoại giao là đất gì? Có phải chuyển sang thuê đất khi sử dụng đất xây dựng cơ sở ngoại giao kết hợp với mục đích thương mại?
- Ngày truyền thống của Cựu chiến binh 6 12 là ngày để tôn vinh, biểu dương sự cống hiến to lớn của Cựu chiến binh đúng không?
- Quy trình, thủ tục cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng từ ngày 25/12/2024 thực hiện như thế nào?