Người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân có phải là Bộ trưởng Bộ Công an? Bộ trưởng Bộ Công an do ai bổ nhiệm?
Người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân có phải là Bộ trưởng Bộ Công an?
Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Công an nhân dân 2018 quy định về chỉ huy trong Công an nhân dân như sau:
Chỉ huy trong Công an nhân dân
1. Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân.
2. Chỉ huy công an cấp dưới chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên về tổ chức và hoạt động của đơn vị công an được giao phụ trách. Chỉ huy công an địa phương chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên và trước cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp.
3. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân có chức vụ hoặc cấp bậc hàm cao hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có chức vụ hoặc cấp bậc hàm thấp hơn.
Trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có chức vụ cao hơn nhưng cấp bậc hàm ngang hoặc thấp hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có cấp bậc hàm ngang hoặc cao hơn nhưng chức vụ thấp hơn.
Như vậy, theo quy định trên thì Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân.
Người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân có phải là Bộ trưởng Bộ Công an? Bộ trưởng Bộ Công an do ai bổ nhiệm? (Hình từ Internet)
Bộ trưởng Bộ Công an do ai bổ nhiệm?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 98 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Điều 98.
Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật;
2. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia;
3. Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
...
Căn cứ theo khoản 7 Điều 70 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Điều 70.
Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
...
7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.
...
Căn cứ theo khoản 2 Điều 88 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Điều 88.
Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;
2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;
...
Theo đó, sau khi Quốc hội quyết định phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an của Thủ tướng Chính phủ thì Chủ tịch nước là người có thẩm quyền bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội.
03 Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân Việt Nam là gì?
Theo quy định tại Điều 17 Luật Công an nhân dân 2018 có quy định hệ thống tổ chức của Công an nhân dân bao gồm:
+ Bộ Công an;
+ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
+ Công an xã, phường, thị trấn.
Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập đồn, trạm Công an và đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết
Và theo Điều 4 Luật Công an nhân dân 2018, việc tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân Việt Nam được thực hiện dựa trên 03 nguyên tắc sau đây:
- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Được tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở.
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Phạm Thị Thục Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công an nhân dân có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phân loại hàng hóa trong hải quan được giải thích thế nào? Quy định về việc phân loại hàng hóa?
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?
- Trọng tài quy chế là gì? Nguyên đơn làm đơn khởi kiện có được áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế không?
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?