Người khuyết tật thuộc đối tượng nào sẽ được ưu tiên khám chữa bệnh? Trường hợp không ưu tiên khám chữa bệnh cho người khuyết tật theo quy định thì bị phạt bao nhiêu tiền?
- Khám và chữa bệnh cho người khuyết tật được Nhà nước đảm bảo như thế nào?
- Người khuyết tật thuộc đối tượng nào sẽ được ưu tiên khám chữa bệnh?
- Trường hợp không ưu tiên khám chữa bệnh cho người khuyết tật theo quy định thì bị phạt bao nhiêu tiền?
- Người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe tại nơi cư trú như thế nào?
Khám và chữa bệnh cho người khuyết tật được Nhà nước đảm bảo như thế nào?
Theo Điều 22 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về khám bệnh, chữa bệnh như sau:
"Điều 22. Khám bệnh, chữa bệnh
1. Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp.
2. Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
3. Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh.
4. Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
5. Khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật."
Như vậy, khám và chữa bệnh cho người khuyết tật được Nhà nước đảm bảo như sau: người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp; được hưởng chính sách bảo hiểm y tế; gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh; được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong trường hợp đặc biệt.
Người khuyết tật thuộc đối tượng nào sẽ được ưu tiên khám chữa bệnh?
Người khuyết tật thuộc đối tượng nào sẽ được ưu tiên khám chữa bệnh?
Theo Điều 23 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
“Điều 23. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Thực hiện biện pháp khám bệnh, chữa bệnh phù hợp cho người khuyết tật.
2. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
3. Tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp.
4. Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.”
Như vậy, người khuyết tật thuộc đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai được ưu tiên khám chữa bệnh.
Trường hợp không ưu tiên khám chữa bệnh cho người khuyết tật theo quy định thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật của cơ sở khám chữa bệnh như sau:
"Điều 12. Vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật của cơ sở khám chữa bệnh
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật;
b) Không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho một trong các đối tượng: người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật khi tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh."
Như vậy, trường hợp không ưu tiên khám chữa bệnh cho người khuyết tật theo quy định thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (lưu ý mức phạt này áp dụng đối với trường hợp tổ chức vi phạm, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt bằng 1/2, theo tại khoản 2 Điều 5 Nghịu định này).
Người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe tại nơi cư trú như thế nào?
Theo Điều 21 Luật người khuyết tật 2010 quy định về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú như sau:
"Điều 21. Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú
1. Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm sau đây:
a) Triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng;
b) Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật;
c) Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật.
2. Kinh phí để thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm."
Do đó, người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe tại nơi cư trú được thực hiện như trên.
Như vậy, người khuyết tật thuộc đối tượng là gười khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai được ưu tiên khám chữa bệnh. Trường hợp không ưu tiên khám chữa bệnh cho người khuyết tật theo quy định thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Lê Thị Hương Giang
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Người khuyết tật có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trình tự xác định địa giới đơn vị hành chính ở thực địa? Ủy ban nhân dân cấp nào lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính?
- Chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành; triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy ở cấp Trung ương
- Hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử cho doanh nghiệp online trên Cổng dịch vụ công Quốc gia ra sao?
- Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân đúng không? Chỉ huy cao nhất trong QĐNDVN?
- Học sinh trường trung cấp có kết quả học tập loại khá được cấp học bổng khuyến khích học tập không?