Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục vẫn chưa bình phục không?
- Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục vẫn chưa bình phục không?
- Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có phải thông báo trước cho người lao động không?
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động là gì?
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục vẫn chưa bình phục không?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, theo đó người sử dụng lao động được chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với người lao động trong các trường hợp sau đây:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
...
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
...
Như vậy, theo quy định trên, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Theo đó, bạn làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty, bị tai nạn đã điều trị liên tục hơn 01 năm nhưng chưa bình phục.
Do đó, công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn. Việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là đúng pháp luật.
Người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng với người lao động bị tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục chưa bình phục? (Hình ảnh từ internet)
Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có phải thông báo trước cho người lao động không?
Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần tuân thủ thời hạn thông báo trước cho người lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể như sau:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị quá thời hạn quy định của pháp luật lao động mà khả năng lao động chưa hồi phục;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, người sử dụng lao động không phải thông báo cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
Căn cứ theo quy định trên, trong trường hợp này, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động công ty phải thông báo trước cho bạn biết trước ít nhất 45 ngày.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động là gì?
Tại khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động 2019, khoản 1 và khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như sau:
- Phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật lao động.
- Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Những trường hợp sau đây được kéo dài thời gian thanh toán nhưng không được quá 30 ngày:
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu đã giữ của người lao động;
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như trên.
Phạm Thị Thục Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?