Người trốn khi đang bị xét xử sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào? Người phạm tội là người bệnh nặng thì có được hoãn chấp hành hình phạt tù không?
- Người trốn khi đang bị xét xử sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?
- Người phạm tội trốn khi đang bị xét xử là người bệnh nặng thì có được hoãn chấp hành hình phạt tù không?
- Đương nhiên được xóa án tích có áp dụng đối với người phạm tội trốn khi đang bị xét xử sau khi chấp hành xong hình phạt không?
Người trốn khi đang bị xét xử sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?
Theo quy định tại Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015 về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử như sau:
Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử
1. Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải.
Theo đó, người trốn khi đang bị xét xử có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trong trường hợp người này phạm tội trốn có tổ chức hoạc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải thì có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Trốn khi đang bị xét xử (Hình từ Internet)
Người phạm tội trốn khi đang bị xét xử là người bệnh nặng thì có được hoãn chấp hành hình phạt tù không?
Căn cứ Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù như sau:
Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, người phạm tội trốn khi đang bị xét xử là người bệnh nặng thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.
Đương nhiên được xóa án tích có áp dụng đối với người phạm tội trốn khi đang bị xét xử sau khi chấp hành xong hình phạt không?
Theo Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 về đương nhiên xóa án tích như sau:
Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
Như vậy, người phạm tội trốn khi đang bị xét xử sau khi chấp hành xong hình phạt và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 02 năm hoặc 03 năm (tùy theo mức phạt của người này) thì sẽ đương nhiên được xóa án tích.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trách nhiệm hình sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu đăng ký chi bộ 4 tốt, đảng bộ 4 tốt mới nhất? Tải về file word Mẫu đăng ký chi bộ 4 tốt, đảng bộ 4 tốt?
- Mẫu đơn khiếu nại nghĩa vụ quân sự mới nhất? Tải về mẫu đơn khiếu nại nghĩa vụ quân sự mới nhất ở đâu?
- Tổng hợp mẫu Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở? Thực hiện dân chủ ở cơ sở là gì?
- Gia hạn thời hạn cho thuê nhà là tài sản công không sử dụng để ở có phải thực hiện thủ tục niêm yết giá không?
- Mẫu Quy chế chi tiêu nội bộ công đoàn cơ sở? Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở bao gồm những gì?