Nguyên tắc quản lý hệ sinh thái cây trồng trong trồng trọt hữu cơ là gì? Các biện pháp ngăn ngừa sinh vật gây hại nào được phép áp dụng?

Hiện nay cơ sở tôi sắp bắt đầu một sự án về trồng trọt hữu cơ, vậy tôi muốn hỏi để đạt được tiêu chuẩn về hữu cơ khi trồng trọt thì nguyên tắc quản lý hệ sinh thái cây trồng như thế nào? Các biện pháp ngăn ngừa sinh vật gây hại được áp dụng là gì? Được sử dụng các loại phân bón gì để có thể đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ khi trồng trọt? - Câu hỏi của chị Linh đến từ Đà Lạt.

Nguyên tắc quản lý hệ sinh thái cây trồng trong trồng trọt hữu cơ là gì?

Tại tiết 5.1.5 tiểu mục 5.1 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 quy định khi trồng trọt hữu cơ phải đáp ứng các nguyên tắc về quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học thì trong sản xuất hữu cơ, không thực hiện các hoạt động có tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, ví dụ: khu bảo tồn động vật hoang dã, rừng đầu nguồn.

Khi trồng trọt hữu cơ có thể duy trì và tăng cường đa dạng sinh học tại khu vực sản xuất bằng cách:

- Áp dụng đa dạng cây trồng bằng phương thức luân canh, xen canh đối với cây hàng năm; trồng xen nhiều loài cây trồng đối với cây lâu năm; trồng cây che phủ đất (cây phân xanh) đối với cây hàng năm và cây lâu năm; quản lý mùa vụ tổng hợp;

- Trồng cây vùng đệm, trồng cây ký chủ của sinh vật có ích, cây xua đuổi côn trùng, cây dẫn dụ thiên địch, trồng cây sử dụng làm thuốc diệt sinh vật gây hại, các cây trồng khác ngoài cây trồng sản xuất hữu cơ trong khu vực sản xuất;

- Giữ lại trong khu vực sản xuất một số diện tích tự nhiên hoặc nhân tạo làm môi trường sống cho các loài động vật, thực vật.

Diện tích này bao gồm: kênh rạch, ao hồ tự nhiên, khu vực có cây mọc tự nhiên, rừng, vườn quả hỗn hợp, cây trồng vùng đệm, cây ký chủ, cây xua đuổi côn trùng, cây trồng khác ngoài cây trồng sản xuất hữu cơ.

Nguyên tắc quản lý hệ sinh thái cây trồng trong trồng trọt hữu cơ là gì? Các biện pháp ngăn ngừa sinh vật gây hại nào được phép áp dụng?

Nguyên tắc quản lý hệ sinh thái cây trồng trong trồng trọt hữu cơ là gì? Các biện pháp ngăn ngừa sinh vật gây hại nào được phép áp dụng? (Hình từ Internet)

Các biện pháp ngăn ngừa sinh vật gây hại được áp dụng trong trồng trọt hữu cơ là gì?

Các cơ sở trồng trọt hữu cơ phải có các biện pháp ngăn ngừa sinh vật gây hại, ví dụ như: vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, có dại...

Căn cứ theo tiết 5.1.10 tiểu mục 5.1 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 thì có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Thực hiện luân canh cây trồng, quản lý dinh dưỡng đối với đất và cây trồng;

- Các biện pháp vệ sinh để loại bỏ các mầm bệnh, hạt cỏ dại và môi trường sống cho sinh vật gây hại;

- Sử dụng loài, giống cây trồng có khả năng kháng các loài sinh vật gây hại phổ biến và thích nghi với môi trường;

* Bên cạnh đó có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại, có thể sử dụng các biện pháp sau đây:

- Bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật gây hại qua việc tạo môi trường sống thuận lợi, ví dụ: làm hàng rào, địa điểm làm tổ, các vùng sinh thái đệm để duy trì thảm thực vật ban đầu cho các loài côn trùng ăn sinh vật gây hại;

- Phóng thích các loài thiên địch, bao gồm cả các loài côn trùng ăn thịt và các loài ký sinh;

- Trồng cây xua đuổi sinh vật gây hại, cây dẫn dụ thiên địch;

- Dùng bẫy, rào chắn, ánh sáng, nhiệt độ và tiếng động.

* Để xử lý cỏ dại có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát sau đây:

- Cắt tỉa;

- Cho vật nuôi gặm cỏ;

- Nhổ cỏ bằng tay;

- Canh tác bằng cơ giới (cày xới đất);

- Đốt cỏ dại với điều kiện không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của đất;

- Che phủ bằng các vật liệu tự nhiên hoặc các vật liệu khác có thể phân hủy sinh học hoàn toàn;

- Che phủ bằng chất dẻo hoặc các vật liệu tổng hợp khác. Các vật liệu này phải được thu gom ra khỏi khu vực trồng trọt vào cuối mùa vụ.

* Đối với dịch bệnh, có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát sau đây:

- Thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của các sinh vật gây bệnh;

- Sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, chất khoáng hoặc chế phẩm sinh học không chứa các chất tổng hợp.

Trong trường hợp có khả năng gây hại nghiêm trọng đến cây trồng và ở nơi mà các biện pháp nêu trên không đủ hiệu quả thì có thể sử dụng các chất nêu trong A.2 của Phụ lục A Tiêu chuẩn này.

Được sử dụng các loại phân bón gì để có thể đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ khi trồng trọt?

Đối với cơ sở trồng trọt hữu cơ thì được sử dụng các loại phân bón đạt được các tiêu chí quy định tại tiết 5.1.9 tiểu mục 5.1 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017, cụ thể như sau:

Quản lý phân bón
Sản xuất hữu cơ chỉ sử dụng các loại phân khoáng thiên nhiên và chỉ để bổ sung cho các phương pháp sinh học để tăng độ phì của đất, ví dụ: phân xanh và phân ủ (compost).
Sản xuất hữu cơ không sử dụng:
- Phân bón tổng hợp;
- Phân bón hòa tan bằng phương pháp hóa học, ví dụ: các superphosphat.
Sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bắc đối với cây trồng dùng làm thực phẩm.
Các sản phẩm phụ từ chăn nuôi, ví dụ phân chuồng từ bãi chứa trong trang trại có thể dùng để bón cho cây trồng. Khuyến khích sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ.
Để làm hoai mục phân ủ, có thể dùng các vi sinh vật thích hợp hoặc các chế phẩm có nguồn gốc thực vật.
Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trồng trọt hữu cơ

Ngô Diễm Quỳnh

Trồng trọt hữu cơ
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trồng trọt hữu cơ có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào