Nhà trường vi phạm quy định về an toàn trong cung cấp thực phẩm cho học sinh thì bị xử phạt như thế nào?
- Đơn vị nào có trách nhiệm thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học ?
- Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển trong trường học ra sao?
- Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm thì xử phạt như thế nào?
Đơn vị nào có trách nhiệm thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học ?
Tại Công văn 6141/BGDĐT-GDTC năm 2022 nêu rõ: Thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục (trường học) vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên (gọi tắt là học viên) gây hậu quả nghiêm trọng.
- Vì vậy, nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho học viên khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở GD&ĐT, sở y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
- Cụ thể:
+ Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ Y tế (Lĩnh vực an toàn thực phẩm), Thông tư liên tịch 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học, Chỉ thị 4316/CT-BGDĐT năm 2018 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản, tài liệu hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
+ Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.
Năm 2023, nhà trường vi phạm quy định về an toàn trong cung cấp thực phẩm cho học sinh thì bị xử phạt như thế nào? (Hình internet)
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển trong trường học ra sao?
Theo đó, Công văn 6141/BGDĐT-GDTC năm 2022 tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ:
- Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
+ Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
- Tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm...
- Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường...
- Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm thì xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP thì hành vi vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm sẽ bị xử phạt như sau:
* Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:
- Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng
- Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ
- Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.
* Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi :
- Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.
* Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi:
- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.
* Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm
- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tạo khoản 6,7 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Châu Thị Nhựt Nam
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về An toàn thực phẩm có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?
- Mẫu biên bản thỏa thuận về việc góp vốn kinh doanh mua bất động sản, đất đai mới nhất? Tải về ở đâu?
- Hướng dẫn cách viết mẫu phiếu đánh giá xếp loại chất lượng công chức? Công chức được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc khi nào?