Nhân sự chủ chốt là gì? Nhà thầu được thay đổi, bổ sung nhân sự chủ chốt trong khi lựa chọn nhà thầu không?
Nhân sự chủ chốt là gì?
Hiện nay, Luật Đấu thầu 2023 và các văn bản pháp luật liên quan không quy định cụ thể nhân sự chủ chốt là gì, tuy nhiên có thể hiểu một cách đơn giản, nhân sự chủ chốt trong đấu thầu là những cá nhân, nhân sự của doanh nghiệp hoặc nhân sự huy động, đáp ứng đầy đủ về trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, bằng cấp… mà hồ sơ mời thầu đưa ra.
Nhân sự chủ chốt thường là những lao động có trình độ tay nghề cao hoặc nhân sự kinh nghiệm trong lĩnh vực đặc thù. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để bên mời thầu đánh giá năng lực nhà thầu, để nhà thầu có cơ hội thắng thầu cao hơn so với đối thủ.
Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo
Nhân sự chủ chốt là gì? Nhà thầu được thay đổi, bổ sung nhân sự chủ chốt trong khi lựa chọn nhà thầu không? (Hình từ Internet)
Nhà thầu được thay đổi, bổ sung nhân sự chủ chốt trong khi lựa chọn nhà thầu khi nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu:
Nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu
...
2. Trường hợp nhân sự chủ chốt (trừ nhân sự chủ chốt thực hiện phần công việc tư vấn (E) trong gói thầu EPC, EP, EC, chìa khóa trao tay), thiết bị chủ yếu mà nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu hoặc không chứng minh được khả năng huy động nhân sự (bao gồm cả trường hợp nhân sự đã huy động cho hợp đồng khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này) thì bên mời thầu cho phép nhà thầu bổ sung, thay thế. Nhà thầu chỉ được bổ sung, thay thế một lần đối với từng vị trí nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu trong một khoảng thời gian phù hợp. Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu không trung thực thì không được thay thế nhân sự, thiết bị khác, hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Đấu thầu và bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 125 của Nghị định này.
...
Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 43 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về thương thảo hợp đồng:
Thương thảo hợp đồng
...
4. Nội dung thương thảo hợp đồng:
...
c) Nhân sự chủ chốt:
Nhà thầu không được thay đổi nhân sự chủ chốt đã đề xuất hoặc đã được thay thế một lần theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Nghị định này, trừ trường hợp do thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài hơn so với dự kiến trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc vì lý do bất khả kháng mà nhân sự chủ chốt do nhà thầu đã đề xuất không thể tham gia thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này, nhà thầu được thay đổi nhân sự khác nhưng phải bảo đảm nhân sự dự kiến thay thế có trình độ, kinh nghiệm và năng lực tương đương hoặc cao hơn so với nhân sự đã đề xuất và nhà thầu không được thay đổi giá dự thầu;
...
Theo quy định trên, có 2 trường hợp được thay đổi, bổ sung nhân sự chủ chốt trong khi lựa chọn nhà thầu như sau:
Trường hợp 1 trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu:
Trường hợp nhân sự chủ chốt mà nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu hoặc không chứng minh được khả năng huy động nhân sự thì bên mời thầu cho phép nhà thầu bổ sung, thay thế.
Nhà thầu chỉ được bổ sung, thay thế một lần đối với từng vị trí nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu trong một khoảng thời gian phù hợp.
Nếu nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt không trung thực thì không được thay thế nhân sự khác, hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận và xử lý theo quy định pháp luật.
Lưu ý: Không áp dụng nhân sự chủ chốt thực hiện phần công việc tư vấn (E) trong gói thầu EPC, EP, EC, chìa khóa trao tay.
Trường hợp 2 trong thời gian thương thảo hợp đồng:
Được thay đổi, bổ sung nhân sự chủ chốt do thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài hơn so với dự kiến trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc vì lý do bất khả kháng mà nhân sự chủ chốt do nhà thầu đã đề xuất không thể tham gia thực hiện hợp đồng.
Trong trường hợp này, nhà thầu được thay đổi nhân sự khác nhưng phải bảo đảm nhân sự dự kiến thay thế có trình độ, kinh nghiệm và năng lực tương đương hoặc cao hơn so với nhân sự đã đề xuất và nhà thầu không được thay đổi giá dự thầu.
Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 45 Luật Đấu thầu 2023 có quy định về thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu như sau:
(1) Thời gian chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu
- Tốt thiểu 09 ngày đối với đấu thầu trong nước.
- Tối thiểu 18 ngày đối với đấu thầu quốc tế.
(2) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu
- Tối thiểu 18 ngày đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế nếu đấu thầu trong nước.
- Tối thiểu 35 ngày đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế nếu đấu thầu quốc tế.
- Tối thiểu 9 ngày đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng nếu đấu thầu trong nước.
- Tối thiểu 18 ngày đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng nếu đấu thầu quốc tế.
- Tối thiểu 05 ngày đối với chào hàng cạnh tranh
- Tối thiểu 9 ngày đối với gói thầu đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu.
(3) Thời gian sửa đổi hồ sơ mời thầu
- Tối thiểu 10 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu đối với sửa đổi hồ sơ mời thầu.
- Tối thiểu 03 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng.
- Tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu đối với hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.
Phạm Thị Thục Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nhân sự chủ chốt có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp mẫu Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở? Thực hiện dân chủ ở cơ sở là gì?
- Gia hạn thời hạn cho thuê nhà là tài sản công không sử dụng để ở có phải thực hiện thủ tục niêm yết giá không?
- Mẫu Quy chế chi tiêu nội bộ công đoàn cơ sở? Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở bao gồm những gì?
- Tổ chức quản lý kinh doanh nhà là tài sản công không sử dụng để ở phải thực hiện đánh giá lại hiện trạng nhà hàng năm đúng không?
- Đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng có phải làm kiểm điểm cuối năm không? Có được dự đại hội đảng viên?