Những công việc cần làm khi kết thúc dự án đầu tư xây dựng? Phân chia dự án đầu tư xây dựng thế nào?
Việc phân chia dự án đầu tư xây dựng thành các dự án thành phần được quy định thế nào?
Việc phân chia dự án đầu tư xây dựng thành các dự án thành phần được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 50 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) như sau:
- Dự án đầu tư xây dựng được phân chia thành các dự án thành phần khi mỗi dự án thành phần có thể vận hành, khai thác độc lập. Các dự án thành phần sau khi phân chia được quản lý như đối với dự án độc lập.
- Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
- Đối với các dự án còn lại, việc phân chia dự án thành phần do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án hoặc khi quyết định đầu tư xây dựng, bảo đảm các yêu cầu nêu tại quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hoặc quy định của pháp luật có liên quan (nếu có), trừ trường hợp luật có quy định khác.
Việc phân chia dự án đầu tư xây dựng thành các dự án thành phần được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Những công việc cần làm khi kết thúc dự án đầu tư xây dựng?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 15/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP) quy định như sau:
Trình tự đầu tư xây dựng
1. Trình tự thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Xây dựng năm 2014, được quy định cụ thể như sau:
a) Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: khảo sát xây dựng; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án;
b) Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc: chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có); khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng); lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; vận hành, chạy thử; nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng; bàn giao công trình đưa vào sử dụng và các công việc cần thiết khác;
c) Giai đoạn kết thúc xây dựng gồm các công việc: Quyết toán hợp đồng xây dựng, quyết toán dự án hoàn thành, xác nhận hoàn thành công trình, bảo hành công trình xây dựng, bàn giao các hồ sơ liên quan và các công việc cần thiết khác.
Theo đó, trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng gồm có 3 giai đoạn:
(1) Giai đoạn chuẩn bị dự án;
(2) Giai đoạn thực hiện dự án;
(3) Giai đoạn kết thúc xây dựng.
Cũng theo quy định này thì khi kết thúc dự án đầu tư xây dựng cần thực hiện các công việc sau đây:
- Quyết toán hợp đồng xây dựng,
- Quyết toán dự án hoàn thành,
- Xác nhận hoàn thành công trình,
- Bảo hành công trình xây dựng,
- Bàn giao các hồ sơ liên quan và các công việc cần thiết khác.
Dự án đầu tư xây dựng được phân loại dựa trên mấy tiêu chí?
Theo quy định tại Điều 49 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) thì dự án đầu tư xây dựng được phân loại dựa trên các tiêu chí sau đây:
- Theo quy mô, mức độ quan trọng;
- Theo công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý;
- Theo nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư.
Trong đó:
- Căn cứ quy mô, mức độ quan trọng, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.
- Căn cứ công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:
+ Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng;
+ Dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp;
+ Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật;
+ Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông;
+ Dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn;
+ Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc phòng, an ninh;
+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp khác.
- Căn cứ nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:
+ Dự án sử dụng vốn đầu tư công;
+ Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
+ Dự án PPP;
+ Dự án sử dụng vốn khác.
Lưu ý: Dự án đầu tư xây dựng được sử dụng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau; có một hoặc nhiều công trình với loại và cấp khác nhau.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Dự án đầu tư xây dựng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?
- Trình độ chuẩn với giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trường đại học? Chế độ bồi dưỡng giờ giảng đối với giảng viên?
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?