Những thông tin, dữ liệu đất đai về thửa đất nào mà công dân được phép khai thác? Cơ quan nào có thẩm quyền cung cấp dữ liệu đất đai?
Những thông tin, dữ liệu đất đai về thửa đất nào mà công dân được khai thác?
Căn cứ Điều 60 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai như sau:
Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác thông tin, dữ liệu đất đai theo hình thức trực tiếp nộp phiếu yêu cầu theo Mẫu số 13/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này hoặc gửi văn bản yêu cầu cho cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai hoặc hợp đồng. Thông tin, dữ liệu đất đai chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã ghi trong phiếu yêu cầu cung cấp thông tin hoặc văn bản yêu cầu hoặc hợp đồng và không được cung cấp để sử dụng vào mục đích khác.
2. Việc nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai tới cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo một trong các phương thức sau:
a) Nộp trên Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;
b) Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường công văn, điện tín, qua dịch vụ bưu chính;
c) Nộp thông qua các phương tiện điện tử khác theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, công dân có nhu cầu khai thác thông tin, dữ liệu đất đai theo hình thức trực tiếp nộp phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai hoặc gửi văn bản yêu cầu cho cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai hoặc hợp đồng.
TẢI VỀ: Mẫu phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai
Tại phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai thì công dân được khai thác những thông tin, dữ liệu của thửa đất bao gồm:
- Thông tin về thửa đất
- Trích lục bản đồ
- Lịch sử biến động
- Giá đất
- Giao dịch đảm bảo
- Quy hoạch sử dụng đất
- Bản sao GCN
- Thông tin, dữ liệu khác
Bên cạnh đó, theo Điều 61 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định những trường hợp không cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai gồm:
- Thông tin, dữ liệu đất đai thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định
- Những thông tin, dữ liệu đất đai gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội mà pháp luật quy định.
- Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được sự đồng ý của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đó, trừ trường hợp phục vụ hoạt động điều tra, thi hành án dân sự, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật và phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
- Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu không hợp lệ theo quy định.
- Tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhưng không thực hiện nộp phí khai thác, sử dụng tài liệu đất đai hoặc giá sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo quy định.
Những thông tin, dữ liệu đất đai về thửa đất nào mà công dân được phép khai thác? (Hình từ Internet)
Công dân có được tiếp cận thông tin đất đai về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất?
Căn cứ Điều 24 Luật Đất đai 2024 quy định công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau:
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt
- Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai
- Giao đất, cho thuê đất
- Bảng giá đất đã được công bố
- Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
- Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
- Thủ tục hành chính về đất đai
- Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai
- Các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật
Như vậy, công dân có được tiếp cận thông tin đất đai về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ quan nào có thẩm quyền cung cấp dữ liệu đất đai?
Theo khoản 6 Điều 60 Nghị định 101/2024/NĐ-CP có quy định cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu đất đai như sau:
Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai
...
6. Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai
a) Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai ở trung ương là Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai trực thuộc Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai. Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu đất đai gồm có:
- Ở trung ương: Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai trực thuộc Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Ở địa phương: Văn phòng đăng ký đất đai.
Lưu ý: Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, UBND xã có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.
Phạm Thị Thục Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Dữ liệu đất đai có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công tác quan trắc công trình có nằm trong nội dung thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình không?
- Chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước được xác định như thế nào?
- Mẫu hồ sơ mời thầu tư vấn theo thông tư 06 mới nhất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi một giai đoạn một túi hồ sơ?
- Nguyên tắc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính là gì?
- Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục là chức danh gì? Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục phải có những chứng chỉ gì?