Phạm nhân có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không? Phạm nhân có được ủy quyền cho người nhà làm thủ tục cho mình tham gia bảo hiểm xã hội hay không?
Phạm nhân có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân.
Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này."
Đồng thời tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH có quy định:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:
...
h) Người tham gia khác.
Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện."
Theo đó, điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Căn cứ theo điểm h khoản 1 Điều 27 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân như sau:
"Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân
1. Phạm nhân có các quyền sau đây:
...
h) Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
..."
Như vậy, phạm nhân hoàn toàn có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện thay mình tham gia các giao dịch dân sự.
Phạm nhân hoàn toàn có quyền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Phạm nhân có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện? (Hình từ Internet)
Phạm nhân có được ủy quyền cho người nhà làm thủ tục cho mình tham gia bảo hiểm xã hội hay không?
Căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 27 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định như sau:
"Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân
1. Phạm nhân có các quyền sau đây:
a) Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;
b) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án;
c) Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;
d) Được lao động, học tập, học nghề;
đ) Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;
e) Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật;
..."
Căn cứ quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 562. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."
Theo đó, phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
Như vậy, phạm nhân được ủy quyền cho người nhà làm thủ tục cho mình tham gia bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người nhà được ủy quyền thì có được ủy quyền lại cho người khác thực hiện thay được không?
Căn cứ quy định tại Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 564. Ủy quyền lại
1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu."
Theo đó, trường hợp phạm nhân ủy quyền cho người nhà thay mình thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu người nhà muốn ủy quyền lại cho người khác thực hiện việc này thì phải có được sự đồng ý của phạm nhân (người ủy quyền).
Nếu người ủy quyền (phạm nhân) không đồng ý thì sẽ không được ủy quyền lại cho người khác thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện này.
Mai Hoàng Trúc Linh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phạm nhân có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC của doanh nghiệp mua bán vàng miếng như thế nào?
- Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư thông qua tổ chức đấu thầu được thực hiện trong trường hợp nào?
- Đất công trình thủy lợi thuộc nhóm đất nào? Được sử dụng để làm gì? Ai có trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi?
- Lưu ý khi điền xếp loại kết quả đánh giá trong mẫu phiếu tự đánh giá của giáo viên mầm non mới nhất?
- Phụ lục đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá mới nhất? Tải về ở đâu?