Phương tiện vận tải quá cảnh phải nộp tờ khai hải quan vào thời điểm nào? Ai có trách nhiệm làm thủ tục hải quan?
Ai có trách nhiệm làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải quá cảnh?
Căn cứ khoản 1 Điều 69 Luật Hải quan 2014 quy định về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải như sau:
Thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải
1. Khi làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải khai hải quan; nộp, xuất trình các chứng từ vận tải để làm thủ tục hải quan; cung cấp các thông tin, chứng từ về hàng hóa, vật dụng trên phương tiện vận tải.
Trường hợp các chứng từ liên quan đã đáp ứng yêu cầu của việc kiểm tra hải quan thì chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền không phải khai hải quan, trừ hành lý, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của người xuất cảnh, nhập cảnh trên phương tiện vận tải.
...
Đối chiếu với quy định trên thì trách nhiệm làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải quá cảnh thuộc về: chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền.
Lưu ý: Trường hợp các chứng từ liên quan đã đáp ứng yêu cầu của việc kiểm tra hải quan thì chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền không phải khai hải quan, trừ hành lý, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của người xuất cảnh, nhập cảnh trên phương tiện vận tải.
Ai có trách nhiệm làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải quá cảnh? (Hình từ Internet)
Phương tiện vận tải quá cảnh phải nộp tờ khai hải quan vào thời điểm nào?
Thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải quá cảnh được quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Hải quan 2014 như sau:
Thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải
...
2. Thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan, chứng từ liên quan được quy định như sau:
a) Đối với phương tiện vận tải quá cảnh được thực hiện ngay khi tới cửa khẩu nhập cảnh đầu tiên và trước khi phương tiện vận tải qua cửa khẩu xuất cảnh cuối cùng;
b) Đối với phương tiện vận tải đường biển nhập cảnh được thực hiện chậm nhất 02 giờ sau khi cảng vụ thông báo phương tiện vận tải nhập cảnh đã đến vị trí đón hoa tiêu; đối với phương tiện vận tải đường biển xuất cảnh được thực hiện chậm nhất 01 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
c) Đối với phương tiện vận tải đường hàng không xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện ngay khi phương tiện vận tải nhập cảnh đến cửa khẩu và trước khi tổ chức vận tải chấm dứt việc làm thủ tục nhận hàng hóa xuất khẩu, hành khách xuất cảnh;
d) Đối với phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ và đường sông xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện ngay sau khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu nhập cảnh đầu tiên và trước khi phương tiện vận tải qua cửa khẩu xuất cảnh cuối cùng.
3. Phương tiện vận tải quân sự, phương tiện vận tải khác được sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.
4. Chính phủ quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải.
Như vậy, theo quy định, phương tiện vận tải quá cảnh phải khai và nộp tờ khai hải quan, chứng từ liên quan ngay khi tới cửa khẩu nhập cảnh đầu tiên và trước khi phương tiện vận tải qua cửa khẩu xuất cảnh cuối cùng.
Phương tiện vận tải thương mại nước ngoài quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chịu sự giám sát hải quan từ khi nào?
Thời gian chịu sự giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải thương mại nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Hải quan 2014 như sau:
Tuyến đường, thời gian chịu sự giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải
1. Phương tiện vận tải thương mại nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh phải di chuyển theo đúng tuyến đường quy định, chịu sự giám sát hải quan từ khi đến địa bàn hoạt động hải quan, quá trình di chuyển cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
2. Phương tiện vận tải thương mại Việt Nam nhập cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi tới địa bàn hoạt động hải quan cho đến khi toàn bộ hàng hóa nhập khẩu chuyên chở trên phương tiện vận tải được dỡ hết khỏi phương tiện để làm thủ tục nhập khẩu.
Phương tiện vận tải thương mại Việt Nam xuất cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi bắt đầu xếp hàng hóa xuất khẩu cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
3. Phương tiện vận tải không nhằm mục đích thương mại nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan khi làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh hoặc địa điểm khác theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, phương tiện vận tải thương mại nước ngoài quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải di chuyển theo đúng tuyến đường quy định, chịu sự giám sát hải quan từ khi đến địa bàn hoạt động hải quan, quá trình di chuyển cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phương tiện vận tải có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?