Quân nhân chuyên nghiệp có thể thành lập doanh nghiệp sau khi đã thôi việc hay không? Cần đáp ứng yêu cầu nào trước khi thành lập doanh nghiệp?

Quân nhân chuyên nghiệp có thể thành lập doanh nghiệp sau khi đã thôi việc hay không? Khi thành lập doanh nghiệp thì cần đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nào đối với người từng phục vụ trong quân đội không? Câu hỏi của anh Thanh từ TP.HCM

Quân nhân chuyên nghiệp có thể thành lập doanh nghiệp sau khi đã thôi việc hay không?

Căn cứ Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về đối tượng không được thành lập doanh nghiệp như sau:

Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
...

Theo đó, pháp luật chỉ nghiêm cấm quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tai các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập doanh nghiệp chứ không cấm quân nhân chuyên nghiệp đã thôi việc không được phép thành lập doanh nghiệp.

Quân nhân chuyên nghiệp có thể thành lập doanh nghiệp sau khi đã thôi việc hay không?

Quân nhân chuyên nghiệp có thể thành lập doanh nghiệp sau khi đã thôi việc hay không? (Hình từ Internet)

Quân nhân chuyên nghiệp cần đáp ứng yêu cầu nào trước khi thành lập doanh nghiệp?

Căn cứ Điều 7 Thông tư 80/2021/TT-BQP quy định về thời hạn quân nhân chuyên nghiệp không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi việc như sau:

Thời hạn
1. Trong thời gian 12 tháng, kể từ khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, người có chức vụ, quyền hạn trong Quân đội công tác thuộc lĩnh vực được quy định tại Điều 6 Thông tư này không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
2. Căn cứ đối tượng thuộc diện quản lý, Cơ quan cán bộ hoặc Cơ quan quân lực chủ trì, phối hợp với Cơ quan thanh tra cùng cấp xác định, tham mưu cho người có thẩm quyền việc áp dụng quy định tại Chương II Thông tư này và ghi trong quyết định thôi giữ chức vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

Bên cạnh đó, tại Điều 6 Thông tư 80/2021/TT-BQP quy định về các lĩnh vưc công tác của quân nhân chuyên nghiệp như sau:

Các lĩnh vực
Người có chức vụ, quyền hạn quy định tại Điều này là người trực tiếp thực hiện công việc tại đơn vị cấp lữ đoàn và tương đương trở lên, thuộc các lĩnh vực:
1. Kế hoạch và đầu tư, tài chính, kinh tế, trang bị, vật tư, hậu cần, kỹ thuật;
2. Thanh tra quốc phòng;
3. Quản lý nghiên cứu đề tài khoa học;
4. Quản lý ngân hàng trong Quân đội;
5. Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng thành lập hoặc được giao quản lý; người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý.

Như vậy, quân nhân chuyên nghiệp đã thôi việc mà trước đây có giữ chức vụ thuộc một trong các lĩnh vực sau thì không được phép thành lập doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng, kể từ khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng:

- Kế hoạch và đầu tư, tài chính, kinh tế, trang bị, vật tư, hậu cần, kỹ thuật;

- Thanh tra quốc phòng;

- Quản lý nghiên cứu đề tài khoa học;

- Quản lý ngân hàng trong Quân đội;

- Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng thành lập hoặc được giao quản lý; người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý.

Theo đó, trước khi thành lập doanh nghiệp thì quân nhân chuyên nghiệp đã thôi việc cần đảm bảo đã hết thời gian không được thành lập doanh nghiệp mà pháp luật quy định.

Quân nhân chuyên nghiệp chưa thôi việc thì có thể thực hiện kinh doanh theo hình thức nào?

Căn cứ Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về hộ kinh doanh như sau:

Hộ kinh doanh
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Theo quy định thì hộ kinh doanh là do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

Theo đó, quân nhân chuyên nghiệp nếu muốn kinh doanh khi còn đang phục vụ tai quân đội thì có thể thực hiện theo hình thức hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quân nhân chuyên nghiệp

Trần Thành Nhân

Quân nhân chuyên nghiệp
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quân nhân chuyên nghiệp có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào