Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì? Xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định như thế nào?
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?
Căn cứ vào khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quấy rối tình dục như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.”
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, như sau:
“Điều 84. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc
1. Quấy rối tình dục quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối."
Như vậy, quấy rối tình dục tại nơi làm việc hiểu đơn giản là sự xuất hiện hành vi cưỡng ép tình dục nơi người lao động làm việc.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm những hành vi nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về hành vi quấy rối tại nơi làm việc như sau:
“Điều 84. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc
...
2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.”
Trên đây là những hành vi được coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Quấy rối tình dục tại môi trường làm việc là gì?
Xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc như thế nào?
Căn cứ Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nội quy lao động thì người sử dụng lao động buộc phải quy định các nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trình tự, thủ tục xử lý các hành vi này vào nội quy lao động và phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Căn cứ khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về quy định người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:
- Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
- Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
- Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo đó, khi có người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì người đó sẽ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hình thức xử lý đã được quy định trong nội quy lao động.
Căn cứ Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm:
- Khiển trách
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng
- Cách chức
- Sa thải.
Theo khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như sau:
“Điều 125. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
...
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.’’
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau;
“Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
...
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
...
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.”
Như vậy, khi quản lý có hành vi như bạn nói thì đây là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bạn cần phải báo với cấp trên của quản lý công ty bạn để xử lý ngay tình trạng này. Trong trường hợp này, bạn cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Phùng Thị Hường
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quấy rối tình dục có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người bị bạo lực gia đình có được quyền lựa chọn chỗ ở khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc không?
- Quy hoạch chi tiết dự án cải tạo nhà chung cư phải có chỉ tiêu nào? Có thể lập quy hoạch đồng thời với đánh giá chất lượng nhà chung cư không?
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?