Quyền sở hữu tài sản trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học được quy định như thế nào?

Quyền sở hữu tài sản trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên trong trường đại học được quy định như thế nào?-Hồng Anh (Hà Nội)

Quy định về quyền tác giả trong cơ sở giáo dục đại học?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được bổ sung bởi điểm a, b, d khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022), quyền tác giả là tập hợp các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sản phẩm mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Theo đó, có thể thừa nhận hai chủ thể có quyền tác giả là tác giả của tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả. Đặc điểm quyền tác giả đối với tác phẩm nới chung: Thứ nhất là pháp luật về quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức tác phẩm chứ không bảo hộ nội dung, Thứ hai là quyền tác giả được bảo hộ theo cơ chế tự động.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 4 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018) khái niệm cơ sở giáo dục đại học được giải thích là: Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.

Có thể hiểu cơ sở giáo dục đại học là nơi cung cấp kiến thức cho sinh viên ở mức độ cao, có sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự phát triển của xã hội.

Chính vì vậy có thể hiểu quyền tác giả tại các cơ sở giáo dục đại học là tổng hợp các chế định pháp lí nhằm bảo hộ bằng pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm tại cơ sở giáo dục đại học.

Quyền sở hữu tài sản trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học được quy định như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

Đối tượng nào được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong cơ sở đại học?

Quy định về đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

Hơn nữa, quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Theo đó, có thể hiểu các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả trong cở sở giáo dục đại học bao gồm: tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;.....

Quyền sở hữu tài sản trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên trong trường đại học được quy định như thế nào?

Căn cứ từ các quy định trên, kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trong cơ sở giáo dục đại học.

- Về tác giả, căn cứ quy định khoản 4 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 ghi nhận tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra sản phẩm. Theo đó, tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học là chính bản thân sinh viên.

- Về chủ sở hữu quyền tác giả, theo quy định tại Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022), Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Nói cách khác, chủ sở hữu quyền tác giả còn quyền quyết định toàn bộ hoặc một số quyền như công bố sản phẩm và quyền trực tiếp được sử dụng, khai thác, định đoạt quyền tác giả trong khuôn khổ tài sản trí tuệ, đặc biệt là độc quyền sao chép và độc quyền ngăn cấm người khác sử dụng hoặc sao chép trái phép... đối với tác phẩm.

Việc phân chia về quyền tác giả và quyền tài sản đối với kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên là khác nhau, và tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi trường đại học, cam kết với sinh.

Như vậy, quyền sở hữu tài sản trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học sẽ tùy thuộc vào sự phân chia theo quy chế của mỗi trường và sự thỏa thuận với sinh viên.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quyền sở hữu trí tuệ

Ngô Thị Hoàn

Quyền sở hữu trí tuệ
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quyền sở hữu trí tuệ có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào