Quyết định khởi tố bị can phải được gửi cho những ai? Trường hợp nào được phép thay đổi quyết định khởi tố bị can?
Quyết định khởi tố bị can phải được gửi cho những ai?
Căn cứ Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc gửi quyết định khởi tố bị can được thực hiện theo quy định như sau:
(1) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.
- Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
- Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu bổ sung, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can.
(2) Trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can hoặc trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can nếu đã yêu cầu nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện.
- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
- Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra nếu Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.
(3) Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can.
- Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản của người bị khởi tố và đưa vào hồ sơ vụ án.
- Việc giao, nhận các quyết định nêu trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Như vậy, theo quy định nêu trên, tùy từng trường hợp mà quyết định khởi tố bị can sẽ được gửi cho những người sau đây:
* Trường hợp Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can:
- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.
- Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can cho bị can.
* Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can
- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra.
- Sau khi nhận được quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can cho bị can.
Quyết định khởi tố bị can (Hình từ Internet)
Trường hợp nào được phép thay đổi quyết định khởi tố bị can?
Theo khoản 1 Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thay đổi quyết định khởi tố bị can khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Khi tiến hành điều tra nếu có căn cứ xác định hành vi của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố;
- Quyết định khởi tố ghi không đúng họ, tên, tuổi, nhân thân của bị can.
Bị can không có mặt theo giấy triệu tập thì xử lý như thế nào?
Căn cứ theo Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc triệu tập bị can như sau:
Triệu tập bị can
1. Khi triệu tập bị can, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập bị can ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
2. Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc, học tập. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can.
Khi nhận giấy triệu tập, bị can phải ký nhận và ghi rõ giờ, ngày nhận. Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của bị can cho cơ quan đã triệu tập bị can; nếu bị can không ký nhận thì lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập bị can; nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho người thân thích của bị can có đủ năng lực hành vi dân sự để ký xác nhận và chuyển cho bị can.
3. Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải.
4. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập bị can. Việc triệu tập bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.
Theo đó, nếu bị can không có mặt theo giấy triệu tập mà không phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải bị can.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Khởi tố bị can có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?
- Công dân được tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi đúng không?