Sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy lên đến 1,3 tấn trong bao xi măng có bị tử hình hay không?
Sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi như thế nào?
Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì sản xuất và vận chuyển trái phép chất ma túy là hai tội, được quy định tại hai điều khác nhau.
Căn cứ quy định tại Mục 2 Phần II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì sản xuất trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi làm ra chất ma túy (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất ma túy này từ chất ma túy khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đồng thời, căn cứ Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP quy định, vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác
Việc vận chuyển có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…;
Trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…;
Có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…
Sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi như thế nào? (Hình từ Internet)
Sản xuất trái phép chất ma túy lên đến 1,3 tấn có bị tử hình hay không?
Mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội sản xuất trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Tội sản xuất trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, theo quy định, hành vi sản xuất trái phép chất ma túy lên đến 1,3 tấn có thể bị tử hình nếu chất ma túy thuộc các loại sau đây:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca;
- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn;
- Có 2 chất ma túy thuộc các loại nêu trên trở lên.
Vận chuyển trái phép chất ma túy lên đến 1,3 tấn có bị tử hình hay không?
Mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, theo quy định, người vận chuyển trái phép chất ma túy lên đến 1,3 tấn có thể bị tử hình nếu chất ma túy thuộc các loại sau đây:
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca;
- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11;
- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định;
- Quả thuốc phiện khô;
- Quả thuốc phiện tươi;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn;
- Có 2 chất ma túy thuộc các loại nêu trên trở lên.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vận chuyển trái phép chất ma túy có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC của doanh nghiệp mua bán vàng miếng như thế nào?
- Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư thông qua tổ chức đấu thầu được thực hiện trong trường hợp nào?
- Đất công trình thủy lợi thuộc nhóm đất nào? Được sử dụng để làm gì? Ai có trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi?
- Lưu ý khi điền xếp loại kết quả đánh giá trong mẫu phiếu tự đánh giá của giáo viên mầm non mới nhất?
- Phụ lục đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá mới nhất? Tải về ở đâu?