Sinh viên đại học có thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội không? Những nguyên tắc khi cho sinh viên đại học thuê nhà ở xã hội là gì?
Sinh viên đại học có thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 49 Luật Nhà ở 2014 như sau:
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:
...
3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;
9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
...
Theo đó, sinh viên đại học thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:
Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
1. Hỗ trợ giải quyết cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 49 của Luật này; đối với đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật này thì chỉ được thuê nhà ở xã hội.
...
Như vậy, sinh viên đại học thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội.
Lưu ý: Đối với sinh viên đại học chỉ được hỗ trợ thuê nhà ở xã hội, không hỗ trợ giải quyết cho thuê mua và bán đối với sinh viên đại học.
Sinh viên đại học có thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội không? Những nguyên tắc khi cho sinh viên đại học thuê nhà ở xã hội là gì? (Hình từ Internet)
Khi thực hiện chính sách hỗ trợ cho thuê nhà ở xã hội đối với sinh viên đại học cần phải đảm bảo những nguyên tắc gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Nhà ở 2014 thì khi thực hiện chính sách cho sinh viên đại học thuê nhà ở xã hội cần phải đảm bảo những nguyên tắc sau:
- Có sự kết hợp giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách;
- Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cộng đồng dân cư;
- Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở 2014;
- Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất;
- Trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì đối tượng là người khuyết tật, nữ giới được ưu tiên hỗ trợ trước;
- Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.
Hành vi cho thuê nhà ở xã hội đối với đối tượng không được hỗ trợ thuê nhà ở xã hội thì có bị xử phạt?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở như sau:
Vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở
1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đúng điều kiện quy định;
b) Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định;
c) Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đảm bảo các điều kiện theo quy định.
...
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
....
b) Buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đối với hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này;
Theo quy định trên thì hành vi cho thuê nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn bị buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên thuê số thuê nhà ở xã hội.
Lưu ý: Mức xử phạt nêu trên áp dụng đối với tổ chức có hành vi vi phạm, đối với cá nhân vi phạm thì mức xử phạt được áp dụng bằng một phần hai lần mức xử phạt đối với tổ chức. (điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)
Như vậy, đối với hành vi cho thuê nhà ở xã hội đối với đối tượng không được hỗ trợ thuê nhà ở xã hội sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm và phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm.
Nguyễn Bình An
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thuê nhà ở xã hội có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục là chức danh gì? Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục phải có những chứng chỉ gì?
- Thủ tục xóa đăng ký thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cấp tỉnh ra sao?
- Phương pháp lập Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế nội địa? Khóa sổ kế toán thuế nội địa trước hay sau khi lập báo cáo kế toán thuế?
- Thủ tục chuyển loại rừng đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập từ 30/10/2024 ra sao?
- Mức bồi thường được tính thế nào khi Nhà nước thu hồi đất và gây thiệt hại đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước?