Sỹ quan boong trên tàu biển Việt Nam có nhiệm vụ như thế nào? Sỹ quan boong có phải trực ca trên tàu biển không?
Sỹ quan boong trên tàu biển Việt Nam có nhiệm vụ như thế nào? Sỹ quan boong có phải trực ca trên tàu biển không?
Sỹ quan boong trên tàu biển Việt Nam có nhiệm vụ như thế nào? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT có quy định chức danh sỹ quan boong trên tàu biển Việt Nam còn được gọi là phó hai và phó ba.
Theo đó nhiệm vụ của sỹ quan boong trên tàu biển Việt Nam được quy định tại Điều 8 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT và Điều 9 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT như sau:
(1) Phó hai chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng khi tàu hành trình và của đại phó khi tàu không hành trình. Phó hai có nhiệm vụ sau đây:
- Trực tiếp phụ trách và tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị hàng hải, hải đồ và các tài liệu về hàng hải, dụng cụ trên tàu.
- Quản lý buồng lái, buồng hải đồ, nhật ký hàng hải; bảo quản và tu chỉnh hải đồ, các tài liệu hàng hải khác theo các thông báo nhận được.
- Lập kế hoạch tuyến đường của chuyến đi và chuẩn bị hải đồ, tài liệu về hàng hải cho chuyến đi; kiểm tra đèn hành trình, máy móc, thiết bị và dụng cụ hàng hải thuộc phạm vi mình phụ trách.
- Bảo quản và duy trì sự hoạt động của đồng hồ tàu, thời kế, lấy nhật sai thời kế hàng ngày và ghi nhật ký thời kế.
- Bảo quản, kiểm tra sai số và chỉnh lý các dụng cụ, thiết bị hàng hải trên tàu; quản lý các linh kiện, phụ tùng dự trữ thay thế của máy móc, thiết bị hàng hải; trực tiếp khởi động và tắt la bàn con quay theo lệnh của thuyền trưởng.
- Lập kế hoạch dự trù phụ tùng thay thế, các hạng mục sửa chữa định kỳ và đột xuất; bảo đảm cho các máy móc hàng hải luôn ở trạng thái hoạt động bình thường, có độ chính xác cao, đồng thời quản lý và sử dụng hợp lý vật tư, trang thiết bị được cấp.
- Giúp đại phó theo dõi việc giao nhận và xếp dỡ hàng hóa theo đúng sơ đồ đã được thuyền trưởng duyệt.
- Khi điều động tàu ra, vào cảng phải có mặt ở phía lái tàu hoặc vị trí do thuyền trưởng chỉ định để chỉ huy thực hiện lệnh của thuyền trưởng; trường hợp cần thiết, theo sự phân công của thuyền trưởng, đảm nhiệm một số nhiệm vụ của đại phó.
- Ít nhất 03 giờ trước khi tàu rời cảng, phải báo cáo đại phó về các công việc chuẩn bị của mình cho chuyến đi.
- Đảm nhiệm các công việc của phó ba nếu trên tàu không bố trí chức danh phó ba, trừ nhiệm vụ trực ca do thuyền trưởng đảm nhiệm.
- Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho thực tập phó hai.
- Đảm nhiệm ca trực từ 00h00 đến 04h00 và từ 12h00 đến 16h00 trong ngày.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do thuyền trưởng phân công.
(2) Phó ba chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng khi tàu hành trình và của đại phó khi tàu không hành trình. Phó ba có nhiệm vụ sau đây:
- Trực tiếp phụ trách và tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa như xuồng cứu sinh, phao tự thổi, phao tròn, áo phao cá nhân, bình chữa cháy, vòi chữa cháy và phải đảm bảo các dụng cụ, thiết bị này luôn ở trạng thái sẵn sàng sử dụng an toàn, thuận lợi khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
- Thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị trên xuồng cứu sinh, lập kế hoạch và định kỳ tiến hành thay thế, bổ sung các dụng cụ, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc cấp cứu sau khi đã được thuyền trưởng phê duyệt.
- Trực tiếp phụ trách công tác hành chính và quản trị trên tàu nếu trên tàu không bố trí chức danh quản trị.
- Giúp thuyền trưởng chuẩn bị các giấy tờ để làm thủ tục cho tàu vào, rời cảng.
- Giúp đại phó trong việc kiểm tra, bảo quản các dụng cụ, thiết bị cứu thủng tàu.
- Giúp phó hai trong việc bảo quản, chỉnh lý các dụng cụ, thiết bị hàng hải, tu chỉnh hải đồ và các tài liệu hướng dẫn hàng hải khác.
- Chậm nhất 03 giờ trước khi tàu rời cảng, phải báo cáo đại phó về việc chuẩn bị của mình cho chuyến đi.
- Khi điều động tàu ra, vào cảng phải có mặt ở buồng lái để thực hiện lệnh của thuyền trưởng trong việc điều khiển tay chuông, ghi chép nhật ký điều động, xác định vị trí tàu và các nghiệp vụ hàng hải khác.
- Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho thực tập phó ba.
-. Đảm nhiệm ca trực từ 08h00 đến 12h00 và từ 20h00 đến 24h00 trong ngày.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do thuyền trưởng phân công.
* Cũng theo các quy định trên thì sỹ quan boong trên tàu biển Việt Nam sẽ phải đảm nhiệm nhiệm vụ trực ca, cụ thể như sau:
+ Đối với phó hai đảm nhiệm ca trực từ 00h00 đến 04h00 và từ 12h00 đến 16h00 trong ngày.
+ Đối với phó ba đảm ca trực từ 08h00 đến 12h00 và từ 20h00 đến 24h00 trong ngày.
Trên tàu biển Việt Nam ai có quyền hủy bỏ hoặc thay đổi ca trực của sỹ quan boong?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT có quy định như sau:
Nhiệm vụ của sỹ quan boong trực ca
1. Sỹ quan boong trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của thuyền trưởng. Khi tàu đậu ở cảng hoặc tại các khu vực neo đậu, nếu thuyền trưởng vắng mặt thì sỹ quan boong trực ca chịu sự chỉ huy của đại phó; ngoài thuyền trưởng, không ai có quyền hủy bỏ hoặc thay đổi ca trực của sỹ quan boong trực ca; sỹ quan boong trực ca không được tự động rời vị trí trực ca nếu không được phép của thuyền trưởng hay đại phó khi được thuyền trưởng ủy quyền.
...
Theo đó thì trên tàu biển Việt Nam ngoài thuyền trưởng, không ai có quyền hủy bỏ hoặc thay đổi ca trực của sỹ quan boong trực ca.
Sỹ quan boong khi trực ca có được phép cho người lên tàu không?
Căn cứ theo Điều 33 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định như sau:
Thẩm quyền cho phép người lên tàu
1. Thuyền trưởng, sỹ quan boong trực ca và sỹ quan an ninh tàu biển có quyền cho phép người lên tàu.
2. Thuyền trưởng có quyền cho phép người vào buồng lái, buồng hải đồ, buồng thông tin vô tuyến nhưng phải phù hợp với kế hoạch an ninh của tàu.
3. Thuyền trưởng, máy trưởng có quyền cho phép những người xuống buồng máy và vào các khu vực khác thuộc bộ phận máy quản lý nhưng phải phù hợp với kế hoạch an ninh của tàu.
Theo đó thì sỹ quan boong trực ca có quyền cho phép người lên tàu.
Ngô Diễm Quỳnh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Sỹ quan boong có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hợp đồng chìa khóa trao tay có phải là hợp đồng xây dựng không? Nội dung của hợp đồng chìa khóa trao tay gồm những gì?
- Trường hợp nào thì tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay? Đình chỉ thực hiện chuyến bay như thế nào?
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt, giáo dục thường xuyên mới nhất?
- Công chức quản lý thuế có bao gồm công chức hải quan? Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để gian lận thuế?
- Khai quyết toán thuế là gì? Thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là bao lâu?