Tài chính công đoàn được quản lý theo nguyên tắc nào? Nguồn thu tài chính của công đoàn sẽ gồm những nguồn nào?
Tài chính công đoàn được quản lý theo nguyên tắc nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 có quy định về nguyên tắc tài chính công đoàn như sau:
Các nguyên tắc về tài chính công đoàn
1. Tài chính công đoàn là điều kiện bảo đảm cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn theo Luật Công đoàn.
2. Tài chính công đoàn được quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn và trách nhiệm của công đoàn các cấp.
3. Các cấp công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.
4. Phân cấp thu tài chính công đoàn để chủ động trong việc thu tài chính công đoàn. Đơn vị được phân cấp thu phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phải thu theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn. Đối với đơn vị được phân cấp thu để xảy ra tình trạng thất thu, không hoàn thành kế hoạch thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn; không nộp đủ nghĩa vụ lên công đoàn cấp trên nếu không có lý do chính đáng thì tập thể, cá nhân có liên quan phải bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.
...
Theo đó, tài chính công đoàn được quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn và trách nhiệm của công đoàn các cấp.
Tài chính công đoàn được quản lý theo nguyên tắc nào? Tài chính công đoàn bao gồm những nguồn thu nào? (Hình từ Internet)
Nguồn thu tài chính của công đoàn sẽ gồm những nguồn nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 quy định về việc thu chi tài chính công đoàn như sau:
Thu, chi tài chính công đoàn
1. Thu tài chính công đoàn:
Nguồn thu tài chính công đoàn theo Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn, bao gồm:
a) Thu đoàn phí công đoàn.
b) Thu kinh phí công đoàn.
c) Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.
d) Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án, chương trình do nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; lãi tiền gửi ngân hàng, kho bạc (nếu có), tiền thanh lý, nhượng bán tài sản; tiền thu hồi các khoản chi sai chế độ từ nguồn tài chính công đoàn đã quyết toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
2. Chi tài chính công đoàn:
Chi tài chính công đoàn thực hiện theo Khoản 2 Điều 27 Luật Công đoàn năm 2012 và quy định của Tổng Liên đoàn.
Như vậy, nguồn thu tài chính công đoàn sẽ bao gồm:
- Thu đoàn phí công đoàn.
- Thu kinh phí công đoàn.
- Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.
- Nguồn thu khác như sau:
+ Từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn;
+ Từ đề án, dự án, chương trình do nhà nước giao;
+ Từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
+ Lãi tiền gửi ngân hàng, kho bạc (nếu có), tiền thanh lý, nhượng bán tài sản;
+ Tiền thu hồi các khoản chi sai chế độ từ nguồn tài chính công đoàn đã quyết toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt
+ Và các nguồn thu khác.
Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn theo phân cấp của Tổng Liên đoàn Lao động?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 có quy định như sau:
Phân cấp quản lý tài chính công đoàn
1. Ban Chấp hành (Ban Thường vụ) công đoàn cơ sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính theo phân cấp của Tổng Liên đoàn; xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán; công khai dự toán, quyết toán thu, chi tài chính công đoàn; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu của công đoàn cơ sở.
2. Ban Thường vụ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn theo phân cấp của Tổng Liên đoàn; xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán; quyết toán; công khai dự toán, quyết toán; kiểm tra, hướng dẫn đơn vị cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn và nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên; phê duyệt báo cáo dự toán, quyết toán của các đơn vị cấp dưới.
3. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn theo phân cấp của Tổng Liên đoàn; quyết định nguyên tắc xây dựng, phân bổ, duyệt dự toán cho các đơn vị cấp dưới theo quy định của Tổng Liên đoàn; xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán; công khai dự toán, quyết toán; kiểm tra, hướng dẫn đơn vị cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn và nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên; phê duyệt báo cáo dự toán, quyết toán của các đơn vị cấp dưới.
...
Như vậy, Ban Chấp hành (Ban Thường vụ) công đoàn cơ sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính theo phân cấp của Tổng Liên đoàn Lao động.
Ngoài ra, Ban Chấp hành (Ban Thường vụ) công đoàn cơ sở còn thực hiện:
- Xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán;
- Công khai dự toán, quyết toán thu, chi tài chính công đoàn;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu của công đoàn cơ sở.
Trịnh Kim Quốc Dũng
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tài chính công đoàn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải Mẫu 3 213 phiếu xin ý kiến nơi cư trú? Đối tượng nào sử dụng Mẫu 3 213 phiếu xin ý kiến nơi cư trú?
- Khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường bộ từ 01 01 2025 là bao nhiêu?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của cán bộ công chức viên chức chính thức kéo dài 9 ngày liên tục ra sao?
- Nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước gồm những gì? Thời gian nộp báo cáo?
- Giải pháp tinh gọn bộ máy nhà nước nêu tại Nghị quyết 18 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thế nào?