Tài sản của doanh nghiệp điều động trong nội bộ có phải nộp lệ phí trước bạ? Nhà nước trưng mua tài sản của doanh nghiệp trong trường hợp nào?
Tài sản của doanh nghiệp điều động trong nội bộ có phải nộp lệ phí trước bạ không?
Lệ phí trước bạ đối với tài sản của doanh nghiệp điều động trong nội bộ được quy định tại khoản 17 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP như sau:
Miễn lệ phí trước bạ
...
17. Tài sản của tổ chức, cá nhân đã nộp lệ phí trước bạ (trừ trường hợp được miễn nộp lệ phí trước bạ) chuyển cho tổ chức, cá nhân khác đăng ký quyền sở hữu, sử dụng được miễn nộp lệ phí trước bạ trong những trường hợp sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân, xã viên hợp tác xã đem tài sản của mình góp vốn vào doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, hợp tác xã; doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, hợp tác xã giải thể, phân chia hoặc rút vốn cho tổ chức, cá nhân thành viên đã góp trước đây.
b) Tài sản của doanh nghiệp điều động trong nội bộ của doanh nghiệp đó hoặc cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp điều động tài sản trong nội bộ một cơ quan, đơn vị dự toán theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
...
Đồng thời, căn cứ khoản 6 Điều 5 Thông tư 13/2022/TT-BTC quy định về miễn lệ phí trước bạ:
Miễn lệ phí trước bạ
...
6. Tài sản của doanh nghiệp điều động trong nội bộ của doanh nghiệp đó hoặc cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp điều động tài sản trong nội bộ một cơ quan, đơn vị dự toán theo quyết định của cấp có thẩm quyền được miễn nộp lệ phí trước bạ theo quy định tại điểm b khoản 17 Điều 10 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.
Trường hợp điều chuyển tài sản giữa doanh nghiệp với các đơn vị thành viên hạch toán kinh tế độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên hạch toán kinh tế độc lập với nhau theo phương thức mua bán, chuyển nhượng, trao đổi hoặc điều động tài sản giữa cơ quan, đơn vị dự toán này với cơ quan, đơn vị dự toán khác (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp) thì phải nộp lệ phí trước bạ.
...
Như vậy, theo quy định trên thì tài sản của doanh nghiệp điều động trong nội bộ doanh nghiệp đó được miễn lệ phí trước bạ.
Lưu ý: Trường hợp điều chuyển tài sản giữa doanh nghiệp với các đơn vị thành viên hạch toán kinh tế độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên hạch toán kinh tế độc lập với nhau theo phương thức mua bán, chuyển nhượng, trao đổi hoặc điều động tài sản giữa cơ quan, đơn vị dự toán này với cơ quan, đơn vị dự toán khác (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp) thì phải nộp lệ phí trước bạ.
Tài sản của doanh nghiệp điều động trong nội bộ có phải nộp lệ phí trước bạ không? (Hình từ Internet)
Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của doanh nghiệp trong trường hợp nào?
Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của doanh nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp
1. Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật này; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; công nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh.
2. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp.
3. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp thật cần thiết, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của doanh nghiệp thì được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc thanh toán, bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.
Theo đó, trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của doanh nghiệp thì được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
Việc thanh toán, bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có quyền gì đối với tài sản của mình?
Quyền của doanh nghiệp được quy định tại khoản 8 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Quyền của doanh nghiệp
1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
...
Theo đó, doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phổ cập giáo dục là gì? Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục cho cấp học nào? Ai thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục?
- 03 cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định? Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo cấp lý luận chính trị nào?
- Mẫu Đơn đề nghị tách hội mới nhất? Hướng dẫn lập đơn đề nghị tách hội? Tải về mẫu đơn đề nghị tách hội ở đâu?
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai?