Tạm giữ người trong tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn hay biện pháp cưỡng chế? Bộ đội Biên phòng có được ra quyết định tạm giữ người không?
Tạm giữ người trong tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn hay biện pháp cưỡng chế?
Căn cứ theo Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về hai biện pháp này như sau:
Điều 109. Các biện pháp ngăn chặn
1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
...
Điều 126. Các biện pháp cưỡng chế
Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.
Theo các quy định trên thì việc tạm giữ người là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.
Tạm giữ người trong tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn hay biện pháp cưỡng chế? (Hình từ Internet)
Bộ đội Biên phòng có được ra quyết định tạm giữ người không?
Căn cứ theo Điều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của Bộ đội biên phòng, cụ thể:
Nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của Bộ đội biên phòng
1. Bộ đội biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các Điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 192, 193, 195, 207, 227, 235, 236, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 303, 304, 305, 306, 309, 330, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý thì những người quy định tại Khoản 2 Điều này có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp Điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc Điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Như vậy bộ đội biên phòng chỉ có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế (cụ thể là tạm giữ người) đối với các tội phạm được liệt kê theo quy định nêu trên mà xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý.
Việc tạm giữ người trong tố tụng hình sự được thực hiện thế nào?
Tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc tạm giữ người như sau:
Tạm giữ
1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.
3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.
4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Việc tạm giữ người được thực hiện theo quy định trên bạn tham khảo để biết thông tin chi tiết.
Ngô Diễm Quỳnh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tạm giữ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?