Tăng lương cơ sở 2023 cho cán bộ, công chức, viên chức lên bao nhiêu? Khi nào thực hiện tăng lương cơ sở?
Tăng lương cơ sở 2023 cho cán bộ, công chức, viên chức lên bao nhiêu? Khi nào thực hiện tăng lương cơ sở?
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, ban đầu việc cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức dự kiến áp dụng từ năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng Covid-19 nên Trung ương đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức đến thời điểm thích hợp.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang được thực hiện theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 01/7/2020 là 1,49 triệu đồng.
Ngày 9/10/2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập như sau:
Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền dự kiến sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (tăng khoảng 20,8%), dự kiến thực hiện từ ngày 01/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Như vậy, nếu đề xuất tăng lương cơ sở tại Hội nghị Trung ương 6 được thông qua thì từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.
Đề xuất tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 01/7/2023? (Hình từ Internet)
Trình Quốc hội xem xét về việc tăng lương cơ sở, lương hưu, ưu đãi nghề y tế?
Ngày 11/10/2022, tại phiên họp 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.
Như vậy, trong năm 2023, dự kiến vẫn chưa thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 mà chỉ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan của Nhà nước.
Theo Nghị quyết 27 thời gian cải cách tiền lương từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với khu vực công như sau:
- Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
- Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
- Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
- Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
- Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ để tính các khoản nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP, quy định về mức lương cơ sở như sau:
Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
3. Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Như vậy, theo quy định trên, hiện nay mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ tính các khoản sau đây:
- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP;
- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức lương cơ sở áp dụng để tính các khoản trên đối với cán bộ, công chức, viên chức là 1,49 triệu đồng/tháng. Nếu đề xuất tăng lương cơ sở được thông qua, thì từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở áp dụng để tính các khoản trên đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.
Trịnh Ngọc Diệp
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Lương cơ sở có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trụ sở của người nộp thuế ở đâu? Chỉ được kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế 01 lần trong 01 năm trong trường hợp nào?
- Khi nào được điều chỉnh giá hợp đồng EPC? Hợp đồng xây dựng được áp dụng những hình thức giá hợp đồng nào?
- Người khai thác cảng hàng không phải đóng cảng hàng không khi thực hiện việc cải tạo kết cấu hạ tầng sân bay đúng không?
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chưa có hiệu lực thi hành thì được tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất không?
- Thành viên hộ gia đình là người 17 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền cho hộ gia đình không?