Thẩm quyền thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự có thuộc về đơn vị Công an cấp huyện không?
Nguồn nhân lực trong công tác phòng chống thiên tai gồm các đối tượng nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật Phòng chống thiên tai 2013 (Được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) quy định các đối tượng là nguồn nhân lực trong công tác phòng chống thiên tai như sau:
Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai
1. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm:
a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai;
b) Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền;
c) Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền;
d) Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền;
đ) Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Thẩm quyền thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự có thuộc về đơn vị Công an cấp huyện không? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền thành lập quản lý hoạt động của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là của cơ quan nào?
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 44 Luật Phòng chống thiên tai 2013 (Được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) có quy định:
Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống thiên tai
1. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai làm nhiệm vụ điều phối liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai trên phạm vi toàn quốc.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; thành viên của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai bao gồm Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc đại diện lãnh đạo của một số bộ, cơ quan có liên quan và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và có cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ để tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của bộ để giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trong phạm vi quản lý.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp để giúp Ủy ban nhân dân chỉ huy và tổ chức công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh sử dụng bộ phận hiện có của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chuyên trách để tham mưu, giúp việc.
Theo quy định nêu trên thì cơ quan công an cấp huyện không có thẩm quyền thành lập quản lý hoạt động của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Thẩm quyền thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp là của cơ quan nào?
Đồng thời tại khoản 1 các Điều 23, 24 và Điều 25 Nghị định 02/2019/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 23. Tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh
1. Kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của cấp tỉnh đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; chịu sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia.
...
Điều 24. Tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp huyện
1. Kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của cấp huyện đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; chịu sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh; chỉ đạo, tổ chức xây dựng thế trận phòng thủ dân sự và hoạt động phòng thủ dân sự của cấp mình và cấp dưới thuộc quyền.
...
Điều 25. Tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã
1. Kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của cấp xã đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; chịu sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp huyện.
Như vậy, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm theo quy định nêu trên vẫn sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định thành lập.
Đơn vị công an cấp huyện không có thẩm quyền thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự.
Ngô Diễm Quỳnh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phòng chống thiên tai có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
- Phân loại hàng hóa trong hải quan được giải thích thế nào? Quy định về việc phân loại hàng hóa?
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?
- Trọng tài quy chế là gì? Nguyên đơn làm đơn khởi kiện có được áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế không?
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?