Thành viên bộ phận kiểm soát nội bộ trong công ty chứng khoán phải đáp ứng yêu cầu gì về kinh nghiệm làm việc?
Quy trình kiểm soát của Ban kiểm soát trong công ty chứng khoán do ai thông qua?
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về ban kiểm soát của công ty chứng khoán như sau:
Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ
1. Công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện các quy định dưới đây:
a) Trưởng Ban kiểm soát của công ty chứng khoán không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát hoặc người quản lý của công ty chứng khoán khác;
b) Ban kiểm soát phải xây dựng quy trình kiểm soát và phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên thông qua;
c) Đối với Ban kiểm soát có từ 02 thành viên trở lên, Ban kiểm soát phải họp tối thiểu 02 lần trong một năm. Biên bản họp phải được ghi chép trung thực, đầy đủ nội dung họp và phải được lưu giữ theo quy định;
d) Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) vi phạm pháp luật, Điều lệ công ty, dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích của công ty, cổ đông, Chủ sở hữu hoặc khách hàng, Ban kiểm soát có trách nhiệm yêu cầu giải trình trong thời gian nhất định hoặc đề nghị triệu tập Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu để giải quyết. Đối với các vi phạm pháp luật, Ban kiểm soát phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện vi phạm.
Dẫn chiếu đến điểm a khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần
1. Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
Theo đó, công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình công ty cổ phần như trên thì quy trình kiểm soát do Ban kiểm soát xây dựng sẽ do Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên thông qua.
Thành viên bộ phận kiểm soát nội bộ trong công ty chứng khoán phải đáp ứng yêu cầu gì về kinh nghiệm làm việc? (Hình từ Internet)
Bộ phận kiểm soát nội bộ của công ty chứng khoán thực hiện kiểm soát những nội dung gì?
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về bộ phận kiểm soát nội bộ trong công ty chứng khoán như sau:
Kiểm soát nội bộ
1. Công ty chứng khoán phải thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng giám đốc (Ban Giám đốc). Hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm bộ máy, nhân sự độc lập và chuyên trách, quy trình.
2. Bộ phận kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng giám đốc (Ban Giám đốc) có nhiệm vụ kiểm soát việc tuân thủ:
a) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật, điều lệ công ty, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, quyết định của Hội đồng quản trị, các quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị rủi ro của công ty, của các bộ phận có liên quan và của người hành nghề chứng khoán trong công ty;
b) Giám sát thực thi các quy định nội bộ, các hoạt động tiềm ẩn xung đột lợi ích trong nội bộ công ty, đặc biệt đối với các hoạt động kinh doanh của bản thân công ty và các giao dịch cá nhân của nhân viên công ty; giám sát việc thực thi trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong công ty, thực thi trách nhiệm của đối tác đối với các hoạt động đã ủy quyền;
c) Kiểm tra nội dung và giám sát việc thực hiện các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp;
d) Giám sát việc tính toán và tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn tài chính;
đ) Tách biệt tài sản của khách hàng;
e) Bảo quản, lưu giữ tài sản của khách hàng;
g) Kiểm soát việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
h) Nội dung khác theo nhiệm vụ Tổng Giám đốc (Giám đốc) giao.
Có thể thấy, bộ phận kiểm soát nội bộ do công ty chứng khoán thiết lập là bộ phận trực thuộc Ban Tổng giám đốc (Ban Giám đốc).
Nhiệm vụ của bộ phận kiểm soát nội bộ là kiểm soát việc tuân thủ các hoạt động tại khoản 2 Điều này.
Thành viên của bộ phận kiểm soát nội bộ trong công ty chứng khoán phải đáp ứng yêu cầu gì về kinh nghiệm làm việc?
Căn cứ khoản 4 Điều 12 Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về yêu cầu nhân sự của bộ phận kiểm soát nội bộ cụ thể như sau:
Kiểm soát nội bộ
...
4. Yêu cầu nhân sự của bộ phận kiểm soát nội bộ
a) Bố trí tối thiểu 01 nhân viên làm kiểm soát tuân thủ;
b) Trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán, có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao;
c) Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong công ty chứng khoán;
d) Có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
đ) Không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán.
Như vậy, đối với nhân sự bộ phận kiểm soát nội bộ, pháp luật hiện hành chỉ đề ra những quy định về trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Do đó, kinh nghiệm cụ thể sẽ tùy thuộc vào quy định của từng công ty chứng khoán đề ra.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Kiểm soát nội bộ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Đơn đề nghị tách hội mới nhất? Hướng dẫn lập đơn đề nghị tách hội? Tải về mẫu đơn đề nghị tách hội ở đâu?
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai?
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?