Thế nào là tai nạn lao động chết người? Tai nạn lao động chết người thân nhân được hưởng những chế độ gì?
Thế nào là tai nạn lao động chết người?
Căn cứ tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Trong đó, theo quy định tại Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP thì tai nạn lao động có thể được phân thành 03 nhóm sau:
(1) Tai nạn lao động làm chết người lao động (hay còn gọi là tai nạn lao động chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chết tại nơi xảy ra tai nạn;
- Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu;
- Chết trong thời gian Điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y;
- Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.
(2) Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nặng) là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
(3) Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nhẹ) là tai nạn lao động không thuộc trường hợp (1), (2).
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động thì:
Người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
Thế nào là tai nạn lao động chết người? (Hình từ Internet)
Tai nạn lao động chết người, người thân được hưởng những chế độ gì?
(1) Những khoản bồi thường tai nạn lao động, trợ cấp tai nạn lao động do người sử dụng lao động chi trả:
- Nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động gây ra thì thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động sẽ được bồi thường tai nạn lao động:
Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương của người lao động chết do tai nạn lao động.
(khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH)
- Nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động) thì thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động sẽ được trợ cấp tai nạn lao động:
Ít nhất 12 tháng tiền lương của người lao động chết do tai nạn lao động.
(khoản 5 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH)
Ngoài ra, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết, cụ thể:
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng (khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP):
Do đó, mức trợ cấp một lần mà thân nhân người lao động được hưởng là:
1.800.000 x 36 = 64.800.000 đồng
Đồng thời, thân nhân người lao động được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
(Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 - Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động)
Người lao động chết do tai nạn lao động thì mức trợ cấp mai táng là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về trợ cấp mai táng:
Trợ cấp mai táng
1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:
a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;
b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.
3. Người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, trong trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng, cụ thể:
Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết do tai nạn lao động:
10 x 1.800.000 = 18.000.000 đồng
Phan Thanh Thảo
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tai nạn lao động có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức quản lý thuế có bao gồm công chức hải quan? Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để gian lận thuế?
- Khai quyết toán thuế là gì? Thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là bao lâu?
- Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở gồm những gì? Thời hạn lập Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất?
- Phổ cập giáo dục là gì? Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục cho cấp học nào? Ai thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục?
- 03 cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định? Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo cấp lý luận chính trị nào?