Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người như thế nào? Nội dung vụ án ra sao?
- Tổng quan về Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người như thế nào?
- Nội dung vụ án của Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người như thế nào?
- Nhận định của tòa án về Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người ra sao?
Tổng quan về Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người như thế nào?
Tại Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023, có nêu rõ về Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người như sau:
Nguồn án lệ:
Bản án hình sự sơ thẩm số 42/2018/HSST ngày 03/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu về vụ án “Mua bán người” đối với các bị cáo Dương Văn S, Phạm Hồng K, Dương Thị T1, Trần Ích C.
Vị trí nội dung án lệ:
Đoạn 9, 10 và 11 phần “Nhận định của Toà án”.
Khái quát nội dung của án lệ:
- Tình huống án lệ:
Bị cáo thông qua trung gian đưa ra lời đề nghị với bị hại về một công việc nên bị hại nhận lời. Sau đó, bị cáo chuyển giao bị hại cho người khác, buộc làm công việc trái ý muốn của bị hại nhằm mục đích kiếm lời.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán người”.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
- Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.
Từ khoá của án lệ:
“Tội mua bán người”; “Chuyển giao người với mục đích kiếm lời”.
>> Tải toàn bộ Án lệ: Tại đây
Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người như thế nào? Nội dung vụ án ra sao? (Hình từ Internet)
Nội dung vụ án của Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người như thế nào?
Tại Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023, có nêu rõ về nội dung vụ án của Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người như sau:
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Do nhu cầu cần người để giao cho các tàu đánh cá nhằm hưởng tiền chênh lệch nên bị cáo Dương Văn S đã liên kết với đối tượng tên G (không biết họ và địa chỉ cụ thể ở Thành phố Hồ Chí Minh) tìm người giao cho bị cáo S theo giá thỏa thuận. Đối tượng G đã dùng mạng xã hội Facebook đăng tuyển lao động (làm phụ xe khách đường dài) với mức lương cao.
Các anh Bùi Văn D, Lê Đức M và Trần Văn T lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm, thấy thông tin do G đăng tuyển nên liên hệ xin việc. Vào ngày 26/7/2017, 03 anh đến Bến xe miền Đông thì đối tượng G cho xe đón và đưa thẳng về nhà bị cáo S thuộc Ấp 1, thị trấn A, huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu. G giao các anh D, T và M cho bị cáo S và nhận số tiền 09 triệu đồng.
Sau khi nhận người, bị cáo S chỉ đạo cho bị cáo Phạm Hồng K lấy hợp đồng lao động cho các anh D, T và M ký tên với nội dung đi biển, do thỏa thuận ban đầu là đi làm lơ xe nên các anh không đồng ý ký tên. Lúc này các bị cáo S, K và C dùng hung khí (gồm dao tự chế, cây sắt và dao Thái Lan) đe dọa nếu không đồng ý ký hợp đồng thì trả 10.000.000 đồng, nếu không có thì phải bị giữ lại, các bị hại bị đưa vào nhà bà Hà Thị L (mẹ ruột của S) giữ lại. Bị cáo S phân công K và C thay phiên canh giữ, mục đích là để S tìm tàu đánh cá cần người thì sẽ giao nhằm hưởng tiền chênh lệch, đồng thời S giao cho Dương Thị T1 (là em gái S) trực tiếp kiểm tra việc canh giữ này.
Trong quá trình giữ người, bị cáo S chỉ đạo cho các bị cáo K và T1 lấy các tài sản và các tư trang cá nhân của những bị hại cất giữ. Bị cáo T1 yêu cầu các anh D, T và M giao nhưng các anh không đồng ý nên bị cáo K cầm dao đe dọa “Tụi mày tự nguyện đưa hay để tao tự lấy”, do sợ vì biết được các bị cáo có hung khí nên các bị hại đã giao tài sản gồm: Ba lô, quần áo, 03 điện thoại di động, 03 cái ví bên trong có 03 giấy chứng minh nhân dân, 02 thẻ ATM mang tên Trần Văn T và Bùi Văn D. Sau khi lấy được tài sản, bị cáo K giao lại cho S và S lấy trong ví của anh M số tiền 700.000 đồng, trong ví của anh D số tiền 1.000.000 đồng, đưa cho C 120.000 đồng, đưa cho K 330.000 đồng, số tiền còn lại S giữ lấy tiêu xài cá nhân.
Đến khoảng 22 giờ ngày 27/7/2017, anh M và anh T trốn ra khỏi nơi giam giữ bằng đường thông gió, đến sau đó, khoảng 05 giờ ngày 28/7/2017, anh D cũng trốn được. Cả 03 anh đến Đồn biên phòng Gành Hào trình báo sự việc.
Quá trình làm việc tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hải, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, phù hợp với lời khai của bị hại, người liên quan và hiện trường vụ án.
- Vật chứng vụ án gồm: Điện thoại di động, ví da, balo và quần áo các bị hại đã nhận lại đầy đủ; 01 cây dao có cán màu vàng dài 21 cm, lưỡi dao bằng kim loại dài 11cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 02 cm; 01 cây dao tự chế dài 49 cm, phần cán dao và lưỡi dao được làm bằng kim loại, lưỡi dao dài 35 cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 03 cm; 01 thanh kim loại có dạng hình hộp chữ nhật, bên trong rỗng, một đầu thanh kim loại được quấn vải, chiều dài 63 cm, chiều rộng 04 cm, chiều cao 02 cm, hiện nay Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Hải đang quản lý. Số tiền 980.000 đồng Công an huyện Đông Hải gửi tại Ngân hàng N, chi nhánh huyện Đ.
- Về trách nhiệm dân sự: Anh Bùi Văn D yêu cầu bồi thường số tiền 1.000.000 đồng và anh Lê Đức M số tiền 700.000 đồng.
Bị cáo Trần Ích C đã khắc phục số tiền 1.700.000 đồng; các bị cáo Dương Văn S, Phạm Hồng K và Dương Thị T1 mỗi bị cáo nộp khắc phục hậu quả số tiền 400.000 đồng.
Nhận định của tòa án về Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người ra sao?
Tại Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023, có nêu rõ về nhận định của tòa án về Án lệ số 65/2023/AL1 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội Mua bán người như sau:
[1] Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[2] Về thủ tục tố tụng:
[3] Về tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng trong điều tra, truy tố và xét xử:
[4] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hải, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hải, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[5] Về sự vắng mặt của bị hại:
[6] Tại phiên tòa hôm nay, các bị hại vắng mặt, tuy nhiên xét thấy trong hồ sơ vụ án đã có lời khai, nội dung khai rất rõ ràng, vì vậy việc vắng mặt của họ không trở ngại cho việc xét xử nên Hội đồng xét xử áp dụng Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự tiến hành xét xử vắng mặt bị hại.
[7] Nội dung vụ án:
[8] Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đã đủ cơ sở kết luận:
[9] Do biết được các tàu đánh cá trên địa bàn huyện Đ cần nhiều người đi biển (ngư phủ) nên bị cáo Dương Văn S đã liên kết với đối tượng G tìm người cung cấp cho các chủ tàu để hưởng tiền chênh lệch.
[10] Đối tượng tên G đã đưa lời đề nghị cần lao động làm lơ xe với mức lương cao nên các anh D, T và M nhận lời. Khi nhận được các bị hại, đối tượng G chở xuống giao cho bị cáo S và nhận số tiền 9.000.000 đồng. Bị cáo S đã chỉ đạo đồng bọn là các bị cáo K, T1 và C thay phiên canh giữ để bị cáo tìm tàu đánh bắt giao lại lấy tiền chênh lệch.
[11] Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, các bị cáo nhận thức được việc mua bán người là vi phạm pháp luật, nhưng vì tư lợi cá nhân và lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại nên các bị cáo đã thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Các bị cáo là người đủ năng lực pháp luật chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà mình gây ra.
[12] Hành vi của các bị cáo xảy ra từ tháng 7/2017 và được quy định tại tình tiết định khung tăng nặng “đối với nhiều người” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 có mức hình phạt từ 05 năm đến 20 năm, còn theo Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi thuộc tình tiết định khung “từ 02 người đến 05 người” được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 có mức hình phạt từ 8 năm đến 15 năm là nhẹ hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 nên cần áp dụng có lợi cho các bị cáo theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Do đó, hành vi nêu trên của các bị cáo đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội “Mua bán người” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[13] Ngoài ra, trong quá trình giữ người, bị cáo S chỉ đạo bị cáo K và T1 dùng hung khí đe dọa lấy tư trang cá nhân và tài sản của các anh D, T và M gồm ba lô, quần áo, 03 điện thoại di động và 03 cái ví (bên trong ví của anh T có giấy chứng minh nhân dân mang tên anh T; bên trong ví của anh M có giấy chứng minh nhân dân, 01 thẻ ATM mang tên anh M và số tiền 700.000 đồng; bên trong ví của anh D có giấy chứng minh nhân dân, 01 thẻ ATM mang tên anh D và số tiền 1.000.000 đồng).
Kết quả định giá tài sản các bị cáo chiếm đoạt có giá trị 10.300.200 đồng. Như vậy, tổng giá trị tài sản là 12.000.200 đồng. Như vậy, hành vi đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của người khác đối với các bị cáo S, T1 và K đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999.
[14] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo:
[15] Các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đối với tội “Mua bán người” mặc dù các bị hại không yêu cầu nhưng các bị cáo đã tự nguyện khắc phục được một phần hậu quả cho bị hại. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 được áp dụng cho các bị cáo.
Bị cáo S và K có 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 nên được áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng trong điều luật. Đối với bị cáo T1 và C, mặc dù là đồng phạm nhưng giữ vai trò không đáng kể, lại phạm tội lần đầu, có hoàn cảnh khó khăn, bị tác động từ bị cáo S là anh ruột nên nhất thời phạm tội.
Vì vậy, cần thiết áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 áp dụng mức hình phạt thấp hơn khung liền kề của điều luật áp dụng.
[16] Trong vụ án này, vai trò của bị cáo S là nguy hiểm, trực tiếp chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện; bị cáo K là người giúp sức quyết liệt nhất, là người trực tiếp dùng hung khí nguy hiểm đe dọa đối với bị hại nên mức hình phạt áp dụng cho bị cáo S và K cao hơn bị cáo T1 và C. Với những phân tích trên, xét thấy cần có mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để có điều kiện giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và tôn trọng quy tắc sống trong cộng đồng.
[17] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 4 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Tuy nhiên, theo các tài liệu chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa đều cho thay các bị cáo là lao động tự do, điều kiện kinh tế còn khó khăn, do đó Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.
[18] Vật chứng trong vụ án gồm:
[19] Điện thoại di động, ví da, balo và quần áo, Cơ quan điều tra đã áp dụng điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự giao trả cho các bị hại là phù hợp.
[20] Đối với số tiền 980.000 đồng, Công an huyện Đông Hải đã gửi tại Ngân hàng N, chi nhánh huyện Đ, trong đó của bị cáo S 480.000 đồng, bị cáo K 500.000 đồng, số tiền này không có liên quan trong vụ án nên được giao trả lại cho các bị cáo. Tuy nhiên, để đảm bảo thi hành án dân sự, cần tiếp tục quản lý để thi hành án sau này.
[21] Đối với 01 cây dao có cán màu vàng dài 21 cm, lưỡi dao bằng kim loại dài 11 cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 02cm; 01 cây dao tự chế dài 49cm, phần cán dao và lưỡi dao được làm bằng kim loại, lưỡi dao dài 35cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 03 cm; 01 thanh kim loại có dạng hình hộp chữ nhật, bên trong rỗng, một đầu thanh kim loại được quấn vải, chiều dài 63cm chiều rộng 04cm, chiều cao 02cm, các vật chứng trên không còn giá trị sử dụng nên áp dụng khoản 2 Điều 106 tịch thu tiêu hủy.
[22] Về trách nhiệm dân sự: Anh Bùi Văn D yêu cầu các bị cáo S, K và T1 bồi thường số tiền 1.000.000 đồng, anh Lê Đức M yêu cầu bồi thường số tiền 700.000 đồng. Tại phiên tòa, các bị cáo đồng ý bồi thường nên căn cứ Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 584, 585, 586, 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc các bị cáo Dương Văn S, Dương Thị T1 và Phạm Hồng K mỗi bị cáo bồi thường cho anh Bùi Văn D số tiền 333.400 đồng; các bị cáo Dương Văn S, Dương Thị T1 và Phạm Hồng K mỗi bị cáo bồi thường cho anh Lê Đức M số tiền 233.400 đồng.
[23] Bị cáo Dương Văn S, Dương Thị T1 và Phạm Hồng K mỗi bị cáo nộp 400.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Hải để khắc phục hậu quả cho các bị hại nên anh M được nhận 400.000 đồng, anh D được nhận 400.000 đồng, anh T được nhận 400.000 đồng. Bị cáo Trần Ích C đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 1.700.000 đồng, các bị hại anh T, anh M và anh D mỗi người được nhận 566.600 đồng.
[24] Xét thấy quan điểm của Kiểm sát viên về tội danh mức hình phạt, các tình tiết tăng, giảm nhẹ và các vấn đề khác có liên quan trong vụ án là có căn cứ được chấp nhận.
[25] Về án phí hình sự và dân sự: Bị cáo nộp theo quy định pháp luật.
Nguyễn Hạnh Phương Trâm
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Án lệ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu đề án sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt, giáo dục thường xuyên mới nhất?
- Dự án đầu tư xây dựng mới cảng hàng không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nào?
- Lịch tháng 1 năm 2025 Âm và Dương chi tiết như thế nào? Tết Âm lịch 2025 rơi vào ngày bao nhiêu tháng 1/2025?
- Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là điều kiện bắt buộc để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam đúng không?
- Kỷ luật trong Đảng là gì? Đảng viên bị bệnh gì được hoãn xử lý kỷ luật? 12 Nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng?