Cảng xuất nhập khí thiên nhiên hóa lỏng LNG phải đáp ứng những điều kiện nào? Lai dắt tàu chở khí LNG thực hiện như thế nào?
Cảng xuất nhập khí thiên nhiên hóa lỏng LNG phải đáp ứng những điều kiện nào?
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 10 Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2022/BCT ban hành kèm theo Thông tư 40/2022/TT-BCT thì cảng xuất nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phải đáp ứng 3 điều kiện lớn:
(1) Yêu cầu chung
Thiết kế cảng xuất nhập, bến đỗ tàu chở LNG phải tuân theo quy định của pháp luật.
Các giao thức xuất nhập sản phẩm phải tuân theo TCVN 8613:2010 hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được thừa nhận và áp dụng rộng rãi.
Cảng phải có đội tàu lai dắt hoặc hợp đồng dịch vụ tàu lai dắt phù hợp với quy định của pháp luật.
Bến cảng phải được thiết kế đảm bảo kết nối thông tin liên tục với tàu và bến. Hệ thống liên lạc dự phòng cũng phải được trang bị đề phòng các trường hợp khẩn cấp.
Bến cảng phải được trang bị hệ thống phát hiện khí cháy, báo động và có khả năng khởi động hệ thống ESD trong quá trình giao nhận sản phẩm.
(2) Khu vực bến
Độ sâu mực nước trước bến phải đảm bảo chân hoa tiêu tối thiểu tại mọi mức thủy triều trong khu vực.
Các kịch bản dao động, rung lắc hay va chạm của tàu với bến phải được tính toán cho mọi phương án có thể xảy ra trong các tình huống khẩn cấp hoặc trong các điều kiện cực đoan về thời tiết hoặc thủy triều.
Phải thiết lập vùng an toàn hàng hải theo quy định của pháp luật xung quanh bến khi đang có tàu cập bến để xuất/nhập sản phẩm. Các phương tiện giao thông (bao gồm cả các phương tiện giao thông đường bộ) xung quanh và tại bến phải được thông báo về sự hiện hữu của tàu hàng đang cập bến.
Bến phải trang bị các phương tiện hỗ trợ cập bến và neo đậu an toàn phù hợp cho mọi trường hợp vận hành bình thường và khẩn cấp.
(3) Cần xuất nhập
Cần xuất nhập LNG phải là loại chuyên dụng được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và được trang bị hệ thống ngắt khẩn cấp (ERS) theo các yêu cầu trong TCVN 8612:2010.
Cần xuất nhập và hệ thống đường ống (kể cả hệ thống ngầm dưới nước) đều phải được đặt cố định trên bến cảng, đảm bảo không bị va chạm khi tàu ra vào cảng.
Điều kiện cảng xuất nhập khí LNG? (Hình ảnh từ Internet)
Lai dắt tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng LNG thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 64 Nghị định 58/2017/NĐ-CP thì hoạt động lai dắt tàu chở khí LNG thực hiện theo hoạt động lai dắt tàu thuyền, cụ thể:
Việc sử dụng tàu lai hỗ trợ khi tàu thuyền vào, rời và hoạt động tại cảng biển được thực hiện như sau:
- Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 80 m trở lên khi điều động cập, rời cầu cảng, bến phao; cập mạn tàu thuyền khác; di chuyển vị trí, di chuyển trong luồng, quay trở trong phạm vi vùng nước trước cầu cảng, vùng nước bến phao, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải phải sử dụng tàu lai hỗ trợ theo quy định.
Ngoài ra, thuyền trưởng có thể yêu cầu tàu lai hỗ trợ nếu thấy cần thiết.
- Việc quy định số lượng, công suất tàu lai hỗ trợ tàu thuyền, trường hợp phải sử dụng tàu lai căn cứ vào chiều dài lớn nhất, trọng tải, đặc tính của tàu, điều kiện thực tế tại khu vực, ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan và phải được quy định cụ thể tại Nội quy cảng biển.
- Thuyền trưởng của tàu thuyền có thể yêu cầu bổ sung số lượng tàu lai hoặc yêu cầu tàu lai có công suất lớn hơn khi cần thiết.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8613:2023 (ISO 28490:2010) thì tàu lai dắt tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) còn phải đảm bảo theo quy định:
+ Số lượng và công suất của các tàu lai dắt cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật đủ để tàu LNG có thể cập bến một cách an toàn nếu một trong các tàu kéo hoặc tàu LNG mất sức đẩy hoặc phương hướng, ở điều kiện thời tiết cực trị. Nguyên tắc lai dắt hộ tống nên xem xét rủi ro mắc cạn hoặc va chạm do tàu LNG mất năng lượng hoặc mất lái.
+ Trong quá trình kéo, tải trọng trên dây kéo có thể vượt quá mức an toàn tải trọng làm việc của bất kỳ bộ phận nào của hệ thống, đồng hồ đo lực căng nên được lắp trên tàu kéo. Xem OCIMF.
Các yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến quy trình giao nhận và vận hành cảng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG?
Căn cứ theo quy định tại mục 6 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8613:2023 (ISO 28490:2010), tồn tại các yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến quy trình giao nhận và vận hành cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG):
+ Các yếu tố môi trường;
+ Điều kiện khí quyển (gió, sét, v.v.);
+ Điều kiện biển;
+ Các tác động của dòng chảy để xác định kế hoạch cập bến;
+ Điều kiện địa chấn (khả năng xảy ra động đất và/hoặc sóng thần);
+ Sự lên xuống của thủy triều;
+ Phù sa (độ đục) trong nước cảng có thể lắng đọng trong các két dằn;
+ Bão nhiệt đới;
+ Các yếu tố vĩ tuyến, độ cao;
+ Góc cập bến và tốc độ cập tàu.
Ngoài ra, các yếu tố khác cần được xem xét là:
- Va chạm mạnh trong khi cập bến hoặc rời bến;
- Tác động từ tàu khác;
- Chuyển động của tàu LNG dọc theo cầu tàu, ví dụ: do trục trặc điều khiển động cơ, lực thủy triều, gió và gió giật, hỏng hoặc chùng dây neo, hoặc do tác động tương tác từ các tàu đi qua gần đó;
- Mắc cạn và các lỗi điều hướng khác trong quá trình chuyển cảng;
- Mất điện của tàu LNG hoặc mất dây kéo tàu lai dắt hoặc hỏng động cơ trong quá trình điều động tàu;
- Kho và lưu trữ;
- Rò rỉ khí độc hại hoặc dễ cháy tại kho cảng hoặc môi trường xung quanh;
- Các trường hợp khẩn cấp bao gồm cháy trên tàu hoặc trên bờ.
Phạm Phương Khánh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Khí thiên nhiên hóa lỏng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sau khi nộp tiền thuế, người nộp thuế có được nhận chứng từ thu tiền thuế? Trách nhiệm nộp tiền thuế của người nộp thuế?
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?